Đồng thời bảo vệ chính lợi ích của cơ quan thuế. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Mai Sơn xung quanh nội dung này.
Xin ông cho biết những kết quả đã đạt được của việc thực hiện hóa đơn điện tử trên toàn quốc đến thời điểm hiện nay?
Qua gần 2 năm triển khai hóa đơn điện tử, kết quả đã mang lại nhiều lợi ích cho chính doanh nghiệp, người dân và công tác quản lý thuế của cơ quan thuế. Đến nay đã có gần 7,2 tỷ hóa đơn điện tử được phát hành với 100% doanh nghiệp, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai sử dụng hóa đơn đã chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử.
Qua đánh giá sơ bộ việc sử dụng hóa đơn điện tử, nhờ có cơ sở dữ liệu đầy đủ đã mang lại những lợi ích cho doanh nghiệp, người dân ở góc độ tuân thủ cũng như chi phí về quản lý vận hành. Chính doanh nghiệp, người dân cũng thuận lợi hơn trong việc tra cứu hóa đơn mà mình đang sử dụng. Hơn nữa, ngành thuế đã mở những giải thưởng trong Chương trình “Hóa đơn may mắn”, quyền lợi của người dân sẽ gắn vào sự tiêu dùng.
Dưới góc độ quản lý, với cơ sở dữ liệu sẵn có, cơ quan thuế có thể phối hợp với cơ quan quản lý khác trong việc xác định, ngăn ngừa dấu hiệu vi phạm trong mua bán hóa đơn trái phép. Qua đó, giảm thiểu gian lận trong khấu trừ thuế, khai khống chi phí để gian lận tiền của ngân sách.
Ngành thuế cũng có điều kiện thuận lợi để quản lý doanh thu, xác định các yếu tố để có kết quả kinh doanh xác thực với thực tế hơn. Hiện nay, hệ thống hóa đơn điện tử của ngành thuế được thiết kế trên nền tảng công nghệ 4.0, phù hợp với yêu cầu về tiếp nhận số lượng lớn giao dịch về hóa đơn, an toàn và bảo mật. Do đó, hoàn toàn có thể đảm bảo hệ thống hóa đơn điện tử vận hành ổn định và tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế trong việc sử dụng hóa đơn điện tử.
Bên cạnh đó, việc sử dụng hóa đơn điện tử sẽ góp phần giúp người tiêu dùng được mua hàng hóa có nguồn gốc, đảm bảo chất lượng, xuất sứ. Đặc biệt, ngành thuế sẽ cùng với các cơ quan bộ ngành khác giám sát chặt chẽ nguồn gốc các mặt hàng từ nước ngoài, từ đó thúc đẩy sản xuất trong nước, gián tiếp bảo vệ tiêu dùng trong nước.
Xăng dầu là một trong những mặt hàng phải thực hiện xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng. Thời gian qua Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có nhiều văn bản yêu cầu tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Xin ông chia sẻ thông tin cụ thể về quá trình triển khai nhiệm vụ này?
Theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành, tại các cửa hàng xăng dầu hiệu nay đều đang sử dụng hóa đơn điện tử và khi có yêu cầu thì đều phải xuất hóa đơn cho người mua hàng. Đến nay, doanh nghiệp đã có thời gian chuẩn bị để thay đổi về công nghệ cũng như cơ sở vật chất. Cùng với đó, cũng đã được tiếp cận đầy đủ thông tin qua việc tuyên truyền, hỗ trợ của cơ quan thuế.
Thực tế, một doanh nghiệp có thể có nhiều cây xăng, cửa hàng rải rác khắp các địa điểm trên một tỉnh, thành. Tuy nhiên, ở đâu cũng cần có sự quản lý ngày càng rõ ràng hơn, minh bạch hơn. Theo đánh giá của chúng tôi, đây cũng là cơ hội để nâng cấp công tác quản trị của doanh nghiệp, nhất là khi sự hội nhập, cạnh tranh ngày càng cao. Người dân cũng sẽ được thụ hưởng sự chất lượng của hàng hóa và sự minh bạch của các dịch vụ.
Với cơ quan quản lý, chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ hơn đầu ra của doanh nghiệp, đồng thời có sự đối chiếu với đầu vào. Như vậy, hoạt động của cơ quan thuế và cơ quan quản lý khác cũng sẽ có sự minh bạch hơn trên cơ sở dữ liệu ngày càng chi tiết. Việc này cũng không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp và người nộp thuế.
Thời gian qua, cơ quan thuế cũng có nhiều diễn đàn để khẳng định việc phối hợp giữa Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ… để tạo mọi điều kiện giúp cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể triển khai tốt chương trình này. Qua đó giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp. Chúng tôi cũng mong muốn những giải pháp đưa ra đều hướng tới hoạt động kinh doanh lành mạnh hơn và có thời gian cho doanh nghiệp chuẩn bị tốt.
Vậy thưa Phó Tổng cục trưởng, để tiếp tục nâng cao hiệu quả hệ thống hóa đơn điện tử, trong thời gian tới ngành thuế sẽ có những giải pháp gì?
Để vận hành hệ thống hóa đơn điện tử, ngành thuế cũng đã không ngừng nâng cấp cơ sở vật chất để đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả. Đối với hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế, Tổng cục Thuế cũng đang trong lộ trình xây dựng chính sách, tạo cơ sở pháp lý để người nộp thuế có thể yên tâm sử dụng.
Ví dụ, đối với các nhà hàng, siêu thị hoặc đối với các mặt hàng có sử dụng máy tính tiền thì họ vẫn đang sử dụng hóa đơn điện tử kèm theo hóa đơn riêng từ máy tính tiền. Chính vì vậy, chúng tôi muốn tích hợp hóa đơn điện tử vào hóa đơn tính tiền đó để giảm chi phí cho chính doanh nghiệp và tổ chức đó. Chắc chắn, ban đầu sẽ có khó khăn trong chuyển đổi nhưng chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp giải pháp để có thể chuyển đổi thuận lợi.
Thời gian tới, cơ quan thuế cũng tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ người dân trong việc triển khai hóa đơn điện tử xăng dầu theo từng lần bán hàng và hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế. Ngành thuế cũng tích cực trong xây dựng dữ liệu, chủ động rà soát để sớm phát hiện ra dấu hiệu vi phạm về hóa đơn như mua bán, sử dụng hóa đơn trái phép.
Đồng thời, Tổng cục Thuế sẽ nghiên cứu bổ sung chính sách thuế đảm bảo chặt chẽ, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, bảo vệ doanh nghiệp, người nộp thuế, các tổ chức trong việc sử dụng hóa đơn, chứng từ điện tử. Đồng thời bảo vệ chính lợi ích của cơ quan Thuế.
Để làm được những điều này, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan thuế, chúng tôi mong muốn sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp các ngành trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước cùng với cơ quan thuế thúc đẩy chi tiêu không dùng tiền mặt ngày càng hoàn thiện hơn.
Xin cảm ơn ông!