Hàng quý, Công ty Samsung Việt Nam phải báo cáo xuất, nhập, tồn kho với cơ quan hải quan địa phương, mỗi lần tới 600.000 - 700.000 tờ khai, gây tốn kém tới 60 -70 triệu tiền mực, giấy in tài liệu. Đó là chưa kể tới việc, cần bố trí một nguồn nhân lực đáng kể để làm công việc này. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ cho thấy, thủ tục hành chính đối với lĩnh vực hải quan vẫn còn nhiều bất cập, gây phiền hà cho doanh nghiệp.Phải nộp cả bằng đại họcÔng Nguyễn Giang Tiến, đại diện Công ty cổ phần Tiếp vận và Ngoại thương Việt bày tỏ: “Chúng tôi cảm thấy ‘hoa mắt chóng mặt’ khi đọc danh mục khai báo hóa chất nhập khẩu như hạng 1, hạng 2, hạng 3, hóa chất mang tiền chất, hóa chất hạn chế nhập khẩu… Bên cạnh đó, phải cần tới 13 loại giấy tờ khác nhau để nhập khẩu hóa chất, trong đó có những loại giấy không cần thiết như: số lượng cán bộ, nhân viên của công ty; bằng đại học của cán bộ, nhân viên; giấy chứng nhận đủ sức khỏe của cán bộ quản lý, nhân viên kinh doanh, vệ sinh …”.
Ông Nguyễn Văn Hoàn, Đội trưởng Đội Kiểm soát hải quan số 2, Cục Hải quan Quảng Ninh đang kiểm tra hàng tại vùng biển huyện Vân Đồn (Quảng Ninh). |
Cùng cảnh ngộ trên, bà Ánh Tuyết, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Công ty TNHH Ford Việt Nam cho biết: “Mỗi lô hàng chúng tôi đều phải xin cấp phép nhập khẩu, trong thành phần nhập về có một chiếc đĩa CD tài liệu hướng dẫn đi kèm. Đây không phải là tài liệu văn hóa nhưng lần nào cơ quan hải quan cũng yêu cầu phải kiểm duyệt văn hóa. Mỗi lần như vậy mất tới một tuần để xin cấp phép, mặc dù đó chỉ là tài liệu thông thường”.
Do vậy, “Đề nghị bỏ việc cấp giấy kiểm duyệt văn hóa hoặc cấp một năm một lần để đỡ tốn kém kinh phí và nhân lực cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ quan hải quan cần có tài khoản ngân hàng để doanh nghiệp nộp tiền vào đó, thay vì nộp vào kho bạc như hiện nay. Như vậy, sẽ giúp doanh nghiệp giảm đáng kể chi phí nhân công”, bà Tuyết nói.
Thừa nhận việc này, bà Đặng Bình An, nguyên Tổng cục phó Tổng cục Hải quan, nguyên Tổng cục phó Tổng cục thuế cho biết: Mặc dù thủ tục hải quan điện tử đã mang lại nhiều tiện ích hơn, nhưng doanh nghiệp vẫn phải xuất trình hồ sơ giấy. Lượng giấy tờ mà các cơ quan hải quan địa phương yêu cầu cung cấp ở các nơi rất khác nhau và nhiều hơn quy định rất nhiều. Ví dụ như các doanh nghiệp phải nộp giấy cam kết, giấy nộp tiền… lên tới 12- 13 loại, chứ không phải 5- 6 loại như quy định.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu và quản lý kinh tế Trung ương (Ciem): “Trước những phản ánh của các doanh nghiệp, chúng tôi cảm thấy rất bức xúc, một bộ phận công chức làm việc tùy tiện, đẻ ra nhiều giấy phép con gây khó khăn cho doanh nghiệp”.
Cần đơn giản hóa thủ tục
Với những thắc mắc về thủ tục mà doanh nghiêp đề cập ở trên, ông Ngô Minh Hải, Cục phó Cục giám sát và quản lý Hải quan, Tổng Cục Hải quan cho biết: “Cơ quan hải quan chỉ thay mặt các cơ quan, bộ, ngành để kiểm tra. Nếu các bộ, ngành quy định rõ ràng thì việc thông quan sẽ dễ dàng. Tuy nhiên, trên thực tế các quy định này còn nhiều cách hiểu khác nhau khiến cơ quan hải quan cũng gặp khó khăn.
Để đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp và hạn chế thiệt hại không đáng có, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng quản lý thực phẩm, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, các chi cục hải quan địa phương nên tạo điều kiện hơn cho các doanh nghiệp. Chẳng hạn, với doanh nghiệp có hàng hóa mau bị hỏng nên để doanh nghiệp đem về kho cất giữ, sau đó mới tiến hành kiểm tra và thông quan. Hay với mặt hàng sữa, nếu để lâu sẽ vón cục, hàng kém chất lượng hoặc hỏng, gây thiệt hại không đáng có cho doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Nghị quyết 19 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu đang được triển khai mạnh mẽ nhưng kết quả chưa xác định được cụ thuể. Tiêu chí giảm thời gian thông quan hàng hóa từ 21 ngày xuống còn 13 ngày chưa được xác định cụ thể. Chỉ tiêu này tác động rất lớn tới nền kinh tế, vì nền kinh tế Việt Nam đang rất mở, xuất nhập khẩu hàng năm tới 300 tỷ USD, khối lượng hàng rất lớn. Nếu chúng ta cải thiện được họat động này thì có thể tiết kiệm được hàng tỷ USD mỗi năm. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác này.
Theo nghiên cứu của Ciem về tác động của thời gian thông quan, nếu giảm thời gian thông quan một ngày, một năm Việt Nam sẽ tiết kiệm được 1,6 tỷ USD. Đây là một con số không hề nhỏ với nền kinh tế nước ta.
Hữu Vinh