Dự án Đầu tư xây dựng cầu Như Nguyệt trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang là dự án giao thông trọng điểm có ý nghĩa to lớn góp phần thúc đẩy kết nối giao thông, kinh tế hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, thời gian qua, do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng tại tỉnh Bắc Ninh nên dự án chưa đạt được tiến độ đề ra.
Theo đó, để thực hiện dự án, thành phố Bắc Ninh thu hồi tổng diện tích trên 10.600 m2, trong đó, đất trồng lúa 3.399 m2, đất giao thông trên 1.500 m2, đất ở đô thị trên 1.100 m2 và đất trồng cây lâu năm khác trên 4.600 m2. Toàn bộ số đất cần thu hồi trên của 148 hộ, nằm trên địa bàn phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh; trong đó, đất ở đô thị có 16 thửa đất của 16 hộ và đất nông nghiệp của 132 hộ.
Nhằm sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, thành phố Bắc Ninh sớm có quyết định về việc phê duyệt dự án bồi thường hỗ trợ đất nông nghiệp và đã chi trả cho toàn bộ 132/132 hộ dân vào tháng 3/2022. Tuy nhiên, với đất ở đô thị, người dân còn băn khoăn về đơn giá bồi thường, hỗ trợ về đất đai và tài sản thấp hơn so với thực tế. Trong khi đó, đây chính là phần đất thuộc vị trí xây dựng trụ T7 và T8 của cầu Như Nguyệt mở rộng.
Bởi vậy, UBND thành phố Bắc Ninh và chính quyền phường Đáp Cầu, tổ dân phố đã nhiều lần đối thoại, vận động 16 hộ dân đồng ý nhận bồi thường và bàn giao mặt bằng cho nhà nước để thực hiện dự án. Đến đầu tháng 2/2023, 100% hộ dân đều nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng cho Nhà nước.
Là một trong số những người cuối cùng nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng cho Nhà nước, ông Nguyễn Văn Hải, khu phố 5, phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh chia sẻ việc đồng tình với chủ trương giải phóng mặt bằng, mở rộng cầu Như Nguyệt. Tuy nhiên, giá đền bù còn thấp và do đặc thù làm vận tải đường thủy cần ở vị trí gần sông nên ông cũng chưa chấp thuận phương án bồi thường ngay. Đến nay, được sự động viên của chính quyền và vì mục tiêu chung phát triển kinh tế, xã hội đất nước nên ông đã bàn giao mặt bằng cho nhà nước.
Dự án Đầu tư xây dựng cầu Như Nguyệt có tổng vốn đầu tư hơn 456,3 tỷ đồng; trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hơn 116 tỷ đồng. Diện tích đất cần thu hồi để thực hiện dự án khoảng 17.000 m2; trong đó, phía tỉnh Bắc Giang có hơn 6.500 m2 và đã thu hồi, giải phóng xong mặt bằng từ tháng 4/2022. Đoạn qua tỉnh Bắc Ninh có tổng diện tích thu hồi hơn 10.600 m2.
Theo kế hoạch nhà thầu đặt ra, Dự án Đầu tư xây dựng cầu Như Nguyệt trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang thực hiện trong 1 năm (từ tháng 4/2022 đến hết tháng 4/2023), phấn đấu đến tháng 5/2023 có thể đưa cầu Như Nguyệt vào sử dụng.