Tuy nhiên, việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế vẫn còn gặp những trở ngại. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục áp dụng nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy loại hình thanh toán này.
Có thể hiểu đơn giản thanh toán không dùng tiền mặt (thanh toán chuyển khoản) là phương thức chi trả thực hiện bằng cách trích một số tiền từ tài khoản người chi trả chuyển sang tài khoản người được hưởng. Các tài khoản này đều được mở tại ngân hàng.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, theo một khảo sát gần đây, Việt Nam đã vượt qua Singapore và Malaysia trong cuộc đua không tiền mặt.
Còn theo khảo sát tiêu dùng toàn cầu năm 2018 của PwC (một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay) đối với 27 nước, vùng lãnh thổ, Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động. Đây là minh chứng rõ nét nhất về việc phát triển thanh toán không tiền mặt...
Theo báo cáo của Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), trong quý I/2019, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý trên 37 triệu giao dịch với giá trị gần 21 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng khoảng 23% số giao dịch và 17% giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018.
Đến cuối năm 2018, toàn quốc có 18.587 cây ATM trải rộng khắp cả nước, 243.123 thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (POS). Phần lớn, các thiết bị này được lắp đặt tại các điểm bán lẻ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi bán lẻ, cửa hiệu tạp hóa lớn, nhà hàng, khách sạn và đang mở rộng tới nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ công như cơ sở y tế, bệnh viện, trường học, dịch vụ công ích…
Vụ Thanh toán cũng cho biết, thẻ ngân hàng tiếp tục phát triển, lượng thẻ phát hành, số lượng và giá trị giao dịch thẻ tiếp tục tăng qua từng năm. Thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng trong năm 2018 đạt khoảng 229,2 triệu lượt với tổng giá trị giao dịch khoảng 592 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại đã tích hợp thêm nhiều tính năng, tiện ích vào thẻ ngân hàng để sử dụng cho chi trả hàng hóa, dịch vụ tại điểm bán, thanh toán hóa đơn tiện ích, thanh toán mua hàng trực tuyến cùng với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ. Đến nay, cả nước đã có khoảng 76 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cung cấp dịch vụ thanh toán qua Internet (Internet payment) và 41 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động (mobile payment).
Trong năm 2018, giao dịch thanh toán qua kênh Internet là hơn 255 triệu giao dịch với giá trị khoảng 16 triệu tỷ đồng. Giao dịch thanh toán qua kênh điện thoại di động là hơn 185 triệu giao dịch, với giá trị khoảng 1,86 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế vẫn còn gặp những trở ngại do thói quen, tâm lý của người dân, cơ sở hạ tầng và sự kết nối cũng như tích hợp giữa đơn vị cung ứng dịch vụ với các hệ thống thanh toán tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới.
Ông Đào Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam cho biết, thói quen của người tiêu dùng đang là rào cản lớn nhất khi áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện có 60% dân số Việt Nam đủ độ tuổi mở thẻ, nhưng 80% trong số này vẫn dùng tiền mặt. Mua hàng trực tuyến đã thay đổi thói quen, song giao hàng COD (nhận hàng và trả tiền trực tiếp) vẫn là chủ yếu. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp ngại chấp nhận phương thức thanh toán mới, cũng như chưa có nhiều chính sách khuyến khích đối với các thành phần tham gia hình thức mới này.
Theo ông Đào Minh Tuấn, có thể xây dựng chính sách thúc đẩy doanh nghiệp tham gia thanh toán không dùng tiền mặt như: ưu đãi thuế nhằm có thể thu thuế nhiều hơn vì khi đó doanh nghiệp sẽ minh bạch về tài chính. Đồng thời, ông Đào Minh Tuấn cũng cho rằng, cần có những quy chuẩn về công nghệ khi triển khai hình thức mới này.
Ông Phạm Tiến Dũng cho biết, chỉ cần đáp ứng được quy tắc 3-1-0 sẽ tạo ra sự thay đổi rất lớn trong dịch vụ thanh toán. Theo ông Phạm Tiến Dũng, quy tắc 3-1-0 hiểu một cách đơn giản, là mọi nghiệp vụ phải hoàn thành trong thời gian 3 phút, ứng dụng phải đáp lại yêu cầu của khách hàng trong thời gian 1 giây và không có sự can thiệp của con người trong quy trình này. Khẩu hiệu 3-1-0 cực kỳ đơn giản, dễ nhớ, những làm được hay không lại là điều không dễ.
Trong thời gian tới, ông Phạm Tiến Dũng cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục áp dụng nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt như hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Với những vấn đề phát sinh trong thực tế nhưng chưa có hành lang pháp lý, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ Đề án xây dựng Cơ chế quản lý thử nghiệm cho hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng để từ đó đưa ra hành lang pháp lý chính thức.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ đẩy mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS); áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại như mã phản hồi nhanh (QR code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán di động (mobile payment), thanh toán phi tiếp xúc (contactless)...