Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng đồng bộ, minh bạch, hướng tới các tiêu chuẩn phổ biến của các nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế.
Cùng với đó là nâng cao chất lượng việc thẩm định, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính. Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nông nghiệp và nông thôn, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ sẽ kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định thủ tục hành chính; rà soát, đánh giá thủ tục hành chính theo quy định, đề xuất các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong tất cả lĩnh vực quản lý của Bộ. Theo đó, đảm bảo theo hướng đơn giản, minh bạch; trong đó tập trung vào nghiên cứu giảm thời gian, giảm hồ sơ, giấy tờ và chi phí thực hiện thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
Bộ sẽ tổ chức các hội nghị đối thoại với người dân và doanh nghiệp về cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính; hỗ trợ các doanh nghiệp định hướng đầu tư, tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 33 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực nông nghiệp với 345 điều kiện cụ thể. Năm 2018, qua rà soát, Bộ đã thực hiện cắt giảm 173/345 điều kiện, tương đương 50%; trong đó, có 65 điều kiện được sửa đổi, đơn giản hóa, 108 điều kiện được bãi bỏ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở hàng hóa được gắn mã HS từ 7.698 dòng hàng xuống còn 1.7 dòng hàng (trên 77%).
Bộ cũng tổ chức triển khai thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3 và 4 cơ chế một cửa quốc gia. Cùng đó, thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm ở tất cả các thủ tục hành chính kiểm tra an toàn thực phẩm; thực hiện quản lý hàng hóa theo phương thức quản lý rủi ro, giảm tần suất lấy mẫu lô hàng.