Phiên Hội thảo hiến kế về phát triển kinh tế số với chủ đề: “Hoàn thiện thể chế và các nền tảng phát triển kinh tế số tại Việt Nam” nằm trong khuôn khổ của Diễn đàn đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy.
Gần 300 đại biểu, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, các hiệp hội, ngân hàng, doanh nghiệp, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ số trong nước và nước ngoài tham dự. Các kiến nghị, đề xuất tại Hội thảo được tổng hợp, báo cáo tại Phiên toàn thể của Diễn đàn vào chiều cùng ngày.
Hội thảo xoay quanh những vấn đề trọng tâm về phát triển nền kinh tế số Việt Nam như thiết lập mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế số; xây dựng và phát triển dữ liệu mở tại Việt Nam; giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; hợp tác công - tư trong phát triển hạ tầng số cốt lõi, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái số; thiết lập xác thực - định danh điện tử tại Việt Nam và nhiều vấn đề liên quan đến các quy định pháp lý.
GDP có thêm 162 tỷ USD nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công
Tại Hội thảo, các đại biểu có chung nhìn nhận, trong 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Kinh tế số phát triển cùng với các hiện tượng mới nổi như công nghệ blockchain, nền tảng số, phương tiện truyền thông xã hội, doanh nghiệp điện tử, thương mại điện tử, nông nghiệp chính xác; các doanh nghiệp liên quan đến phát triển phần mềm, ứng dụng, phát triển nội dung số và truyền thông, các dịch vụ và đào tạo liên quan, cùng với các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất và phát triển thiết bị công nghệ thông tin - truyền thông.
Tuy nhiên, bên cạnh việc phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, Việt Nam cũng đang phải giải quyết nhiều vấn đề phát sinh liên quan như: Khung pháp lý; an toàn, an ninh mạng; sự thiếu hụt nguồn nhân lực ICT có chất lượng cao; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát triển Chính phủ điện tử.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, kinh tế số đang diễn ra nhanh chóng và có tác động to lớn, sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia; thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn diện trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh, đến cách thức tiêu dùng, giao tiếp...
Dẫn nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore), Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, kinh tế số của Việt Nam đạt 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Trong khi đó, một nghiên cứu khác của Tổ chức Data 61 (Australia), GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công. Trong sự biến chuyển này, doanh nghiệp là trung tâm trong phát triển kinh tế số.
Bốn chính sách để phát triển kinh tế số ở Việt Nam được Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nêu ra, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng nền tảng thể chế cho các mô hình kinh doanh kinh tế số, bao gồm sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật cho các ngành đang có nhiều mô hình kinh doanh mới như thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số... Cải cách thể chế để thu hút đầu tư công nghệ số trong các lĩnh vực đầu tư mạo hiểm theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua bán sáp nhập doanh nghiệp công nghệ số.
Ông cũng đề cập đến việc phát triển hạ tầng kết nối, khuyến khích doanh nghiệp nhanh chóng phát triển dịch vụ internet di động 5G, xây dựng xa lộ internet cho các dịch vụ nhiều người dùng, xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu khác, đào tạo nguồn nhân lực các chuyên ngành an ninh mạng, công nghệ thông tin, truyền thông, giải trí... để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sản xuất và việc làm.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn các doanh nghiệp chủ động tìm ra giải pháp ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số và tham gia xây dựng các yếu tố nền tảng cho kinh tế số.
Chỉ ra rằng cần thúc đẩy kinh tế số ở mọi thành phần, Tổng Giám đốc ABB Việt Nam Brian Hull đề xuất Việt Nam nên tổ chức những cuộc thi hàng năm để tìm ra những nhà sản xuất tốt nhất, công nghệ, nhân lực giỏi nhất. Đây là cách để mọi người hiểu rằng công nghệ số đang hiện diện, những kỹ sư trẻ có cơ hội tốt để nâng cao kinh nghiệm trong sản xuất. Cùng với đó, tìm giải pháp thúc đẩy việc áp dụng công nghệ ở cả bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ; phát triển nguồn nhân lực, tạo tiền đề cho sự phát triển. Những sáng kiến, dự án lớn được đưa ra cần đảm bảo Chính phủ sử dụng những công nghệ, những hạ tầng hiện đại nhất.
Bảo đảm an toàn, an ninh mạng
“Để phát triển kinh tế số, phải xây dựng được sự tin cậy trong hạ tầng số. Người tiêu dùng không thể giao dịch, người tham gia không thể tạo ra sự liên kết nếu không có sự tin cậy. Vì thế, an toàn, an ninh mạng, sự đảm bảo trong giao dịch là điều kiện quan trọng để xây dựng hạ tầng số và cho sự phát triển của kinh tế số”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng nhận định.
Theo ông, để thúc đẩy sự phát triển kinh tế số tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng Đề án quốc gia về chuyển đổi số, trong đó đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để chuyển đổi số nền kinh tế, xã hội, chuyển đổi số cơ quan nhà nước và một số ngành trọng điểm. Bộ cũng chú trọng vào những giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh không gian mạng, tăng cường các giải pháp để chống mã độc, giảm các cuộc tấn công mạng từ nước ngoài vào Việt Nam.
Cũng đề cập đến việc đảm bảo an toàn an ninh mạng, Tổng Giám đốc ABB Việt Nam Brian Hull cho rằng, có nhiều ưu điểm khi thực hiện chuyển đổi sang hạ tầng thông minh, nhưng điều này cũng tiềm ẩn thách thức đến từ việc đảm bảo sự an toàn trong hoạt động. Nhiều nhà sản xuất toàn cầu đã phải dừng hoạt động vì những cuộc tấn công mạng. Do đó, theo ông, cùng với hạ tầng thông minh, cần xây dựng những giải pháp đảm bảo an toàn an ninh hệ thống. Những công ty Việt Nam đảm bảo được điều này thì có thể đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Theo Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam Phạm Thế Trường, việc phát triển kinh tế số đi kèm với những thách thức, đặc biệt là về an toàn thông tin cá nhân.
"Bao nhiêu phần trăm trong số chúng ta sử dụng smartphone có thể khẳng định mình không bị theo dõi. Khi một người dân có tiền mua điện thoại, thì việc đảm bảo tự do cá nhân sẽ thuộc trách nhiệm của ai", ông Phạm Thế Trường đặt câu hỏi. Vị Tổng Giám đốc này cho rằng trách nhiệm đó thuộc về Nhà nước. Chính phủ cần có những biện pháp để đảm bảo sự an toàn cho người dân trong nền kinh tế số, trước những thách thức ngày càng gia tăng phải đối mặt.