Sắp tới, nhà nước sẽ quy định giá trần đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. |
Phóng viên (PV): Thưa ông, qua kết quả thanh tra các doanh nghiệp kinh doanh sữa, Bộ Tài chính đã phát hiện nhiều sai phạm của doanh nghiệp. Vậy ông đánh giá như thế nào về việc tuân thủ pháp luật của các công ty sữa ?
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Thanh tra là hoạt động thường xuyên trong công tác quản lý, có sản xuất, kinh doanh thì sẽ có những sai phạm, dù ít hay nhiều và phải phát hiện, chấn chỉnh. Thanh tra là công cụ để phát hiện giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhìn rõ để chấn chỉnh các hoạt động. Từ đợt thanh tra giá sữa vừa qua, Bộ Tài chính đã có những phát hiện sai phạm từ đó có nhắc nhở giúp các doanh nghiệp chấn chỉnh hoạt động của mình. Nhưng lớn hơn kết quả thanh tra là từ đó nhận diện được tình hình giá sữa thời gian vừa qua. Qua đó thấy rằng đã đến lúc chúng ta phải triển khai những biện pháp cần thiết để bình ổn giá cả thị trường mặt hàng sữa nói chung, trước hết là sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Căn cứ vào đó, Bộ Tài chính đã thống nhất với các ngành trình Chính phủ một số biện pháp để thực hiện bình ổn giá mặt hàng sữa, trong đó có biện pháp quy định giá tối đa (còn gọi là giá trần) đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đối với những vấn đề còn lại chưa được xác định, Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục làm rõ và nếu có sai phạm thì tiếp tục sẽ xử lý, chấn chỉnh.
Tóm lại, theo tôi đợt thanh tra vừa qua của Bộ Tài chính một lúc đạt được cả ba mục tiêu vừa chấn chỉnh, vừa xây dựng cơ chế quản lý, vừa tiếp tục kiểm tra phát hiện làm rõ.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng việc áp giá trần đối với sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong thời điểm này là khó thực hiện, quan điểm của Bộ Tài chính về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Có thể nói, thời điểm hiện nay đã hội đủ điều kiện chín muồi để áp dụng giá trần với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Trên phương diện pháp lý, biện pháp này đã được tính toán cân nhắc kỹ. Khoản 2, Ðiều 15, Luật Giá đã quy định sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ phải thực hiện bình ổn giá. Trong các biện pháp bình ổn giá theo quy định, ở thời điểm hiện nay đã có đủ cơ sở để thực hiện quy định biện pháp đăng ký giá tại khoản 4, Ðiều 17, Luật Giá và biện pháp quy định giá tối đa theo khoản 7, Ðiều 17 trong luật này. Theo quy định tại khoản 1, Ðiều 18 và khoản 2, Ðiều 7, Nghị định số 177/2013/NÐ-CP, Chính phủ cũng đã thảo luận và thống nhất cao chủ trương áp dụng một số biện pháp bình ổn giá.
Trên phương diện luật pháp quốc tế, Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT) không cấm việc áp dụng biện pháp kiểm soát giá tối đa. Tuy nhiên GATT khuyến cáo, không phân biệt đối xử và hạn chế tối đa bất lợi đối với lợi ích quốc gia thành viên tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Chúng ta sẽ thực hiện các giải pháp đối với cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài để bảo đảm tuân thủ quy định này.
Đồng thời, thị trường cũng vừa trải qua giai đoạn giá sữa biến động, công luận và thị trường đã cùng có tiếng nói mong muốn cùng xây dựng thị trường sữa ổn định cho thời gian tới. Bộ Tài chính cũng cho rằng các cơ quan truyền thông có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, người dân, các doanh nghiệp đối với việc thực hiện chủ trương bình ổn giá nói trên.
PV: Thưa ông, việc tính giá trần có khả thi hay không khi mà hiện nay trên thị trường có hàng trăm mặt hàng sữa của gần hàng trăm công ty sản xuất và kinh doanh sữa ?
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Trên thị trường có nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhập khẩu sữa với nhiều chủng loại sữa, điều này dẫn đến sẽ có những khó khăn nhất định. Nếu Nhà nước xác định giá trần cho từng sản phẩm sữa thì sẽ khó thực hiện được. Do vậy, có thể chúng ta chỉ cần xác định giá trần đối với một số mặt hàng có tính chất làm chuẩn, trên cơ sở đó sẽ hướng dẫn để xây dựng mức giá chuẩn với các mặt hàng còn lại. Căn cứ giá tối đa ấy sẽ sử dụng để đăng ký và thực hiện.
Tôi nói luôn việc quy định giá trần đối với mặt hàng sữa cho trẻ dưới 6 tuổi là khả thi và chúng ta có kinh nghiệm về quản lý giá để có thể thực hiện được.
PV: Vậy ông có thể nhận định tác động của việc áp dụng giá trần đối với việc quản lý sữa và lợi ích đối với người tiêu dùng ? Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Trước hết phải khẳng định rằng, bình ổn giá thị trường đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em không chỉ mang lại lợi ích riêng cho người tiêu dùng. Việc có được một thị trường sữa bình ổn giá trước hết giúp cho các doanh nghiệp sữa có thể hoạt động bình thường. Cạnh tranh trong thị trường ổn định, khiến các doanh nghiệp phấn đấu tiết giảm chi phí để vừa có lợi nhuận, vừa mua bán bình thường mà không dẫn đến cạnh tranh không có lợi cho thị trường.
Từ đó, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi là có thị trường sữa ổn định không bị “nhảy múa” như báo chí đã từng nói. Khi thị trường sữa được bình ổn và người dân yên tâm mua sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi thì lợi ích không chỉ cho riêng người tiêu dùng mà còn cho toàn xã hội.
Thùy Dương (Thực hiện)