Chiều 23/11, diễn đàn Mua bán và sáp nhập Việt Nam 2022 (Vietnam M&A Forum 2022) lần thứ 14 đã diễn ra tại TP Hồ Chí Minh do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Với chủ đề “Kích hoạt những cơ hội mới”, diễn đàn thu hút hơn 500 khách tham dự và cùng nhau thảo luận chuyên sâu các cơ hội M&A tại Việt Nam.
Phát biểu trực tuyến tại diễn đàn, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau 2 năm chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ với tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%, dự báo cả năm đạt khoảng 8%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối vĩ mô được đảm bảo...
Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Phương, bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn chứa đựng rất nhiều khó khăn, thách thức với nhiều biến động rất nhanh, phức tạp, khó lường; nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo của các tổ chức quốc tế và các nước… gây ảnh hưởng đến nền kinh tế chung toàn cầu, bao gồm cả các nền kinh tế lớn là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam. Theo đó, dòng vốn đầu tư toàn cầu nói chung và vào Việt Nam nói riêng, trong đó có vốn thực hiện các thương vụ M&A đã ảnh hưởng tiêu cực.
Báo cáo mới nhất của công ty phân tích dữ liệu GlobalData cho thấy, quý 3/2022 là quý có hoạt động M&A toàn cầu kém nhất, với giá trị thương vụ giảm 48% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường toàn cầu đã ghi nhận 8.258 thương vụ M&A trị giá 544 tỷ USD trong năm 2022, trong khi đó quý cùng kỳ của năm 2021 ghi nhận 9.605 thương vụ trị giá 1,05 nghìn tỷ USD.
Tại Việt Nam, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới dù đã có dấu hiệu phục hồi nhưng 10 tháng năm 2022 vẫn giảm 23,7% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 22,46 tỷ USD; có 2.997 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 2,2% so với cùng kỳ, với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,79 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Song tính chung, theo báo cáo mới nhất của KPMG, đến hết tháng 10/2022, tổng giá trị thương vụ trên thị trường M&A Việt Nam đạt khoảng 5,7 tỷ USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Tương tự năm 2021, các giao dịch tiếp tục được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp Việt Nam với giá trị hơn 1,3 tỷ USD. Các ngành, lĩnh vực chính thu hút nhiều khoản đầu tư gồm: tiêu dùng (1,2 tỷ USD), bất động sản (gần 1 tỷ USD), công nghiệp (800 triệu USD). Đặc biệt, ngành năng lượng đang trở nên “hot” nhất năm 2022 nếu xét về tăng trưởng giá trị, đạt gần 600 triệu USD, tăng khoảng 6 lần so với năm 2021.
Theo các chuyên gia tại diễn đàn, thị trường M&A hiện nay tuy trầm lắng nhưng không có nghĩa sẽ rơi vào trạng thái “ngủ đông” trong thời gian tới. Có thể một số doanh nghiệp sẽ có những động thái tích cực, phá băng và sớm đưa thị trường trở lại trạng thái sôi động. Hơn nữa, thời điểm này được cho là cơ hội cho các nhà đầu tư có tiền thực hiện mua các dự án hấp dẫn, với định giá tài sản hợp lý hơn.
Trong đó, M&A trong lĩnh vực công nghệ với làn sóng chuyển đổi số, bán lẻ, hàng tiêu dùng vẫn sôi động. Trong khi lĩnh vực bất động sản, năng lượng, tiện ích sẽ sớm sôi động trở lại với sự tham gia ngày càng đông đảo của các doanh nghiệp Việt Nam với vai trò bên mua. Đặc biệt, sẽ có những cơ hội M&A trong lĩnh vực dịch vụ tài chính khi có nhiều thương vụ đang trong giai đoạn chuẩn bị nhiều năm nay, sắp đi đến giai đoạn chốt vào năm 2023.
Đáng chú ý, dòng vốn từ các quỹ đầu tư tư nhân (Private Equity, PE Fund) trên toàn cầu đang trở thành động lực chính thúc đẩy cho thị trường M&A tăng tốc. Theo một báo cáo năm 2022 của Bain & Company, các quỹ đầu tư tư nhân vào châu Á đang ở mức cao kỷ lục là 650 tỷ USD. Tại Việt Nam, PE Fund và Venture Capital vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng đầu năm nay. Đặc biệt, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2022 được dự báo sẽ chứng kiến mức đầu tư trị giá khoảng 2 tỷ USD, giữ vững phong độ của một “ngôi sao đang lên” về khởi nghiệp trong các nước Đông Nam Á.
Thị trường IPO ở khu vực Đông Nam Á cũng đang được kỳ vọng với tương lai sáng sủa hơn vào năm 2023. Mặc dù định giá hiện tại có thể thấp hơn đối với các công ty công nghệ nhưng những công ty có nền tảng kinh doanh vững chắc, khả năng chứng minh lợi nhuận sẽ vẫn có thể đạt được định giá thị trường tốt nhất và hưởng lợi từ thị trường vốn toàn cầu.
Những dấu hiệu trên cho thấy, thị trường M&A tại Việt Nam được dự báo vẫn sôi động, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn trong nước bị thắt chặt, nhiều doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi đầu tư do sức ép về tài chính.
Ông Trần Quốc Phương chia sẻ: “Một khi kinh tế phục hồi, dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng tốc vào Việt Nam, cộng hưởng với sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong nước thì các hoạt động M&A cũng sẽ được kích hoạt mạnh mẽ”.
Diễn đàn Vietnam M&A Forum 2022 có 2 phiên hội thảo chính: phiên 1 với chủ đề “Cơ hội M&A trong thị trường đầy biến động” và phiên 2 với chủ đề “Thiết lập các giá trị mới”. Bên lề diễn đàn, ban tổ chức cũng dành không gian và thời gian cho các hoạt động kết nối đầu tư, gặp gỡ các doanh nghiệp để cùng nhau chia sẻ thông tin, tìm kiếm đối tác.
Đặc biệt, diễn đàn năm nay tiếp tục vinh danh các Thương vụ và Nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2021 – 2022 sau năm 2021 tạm dừng do giãn cách. Theo đó, có 10 thương vụ đầu tư M&A tiêu biểu năm 2021 - 2022, 12 tổ chức tư vấn M&A tiêu biểu năm 2021 - 2022 và 1 doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu năm 2021 - 2022 được vinh doanh tại diễn đàn. Các thương vụ được bình chọn bởi một hội đồng độc lập trên cơ sở đề cử của các tổ chức và doanh nghiệp.