Học cách từ chối dự án kém chất lượng

Việt Nam đã làm được những gì và còn hạn chế ở những mặt nào trong thu hút FDI? Thông tin này đã được ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức.

 

Xin ông cho biết, những thành tựu và những mặt chưa được của Việt Nam trong việc thu hút FDI trong những năm gần đây?


Chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam đã thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp. Lĩnh vực này đang chiếm tới 50% tổng vốn đầu tư FDI.


Có 3 lĩnh vực chúng ta không thành công trong việc thu hút đầu tư. Thứ nhất là thu hút đầu tư ở địa bàn khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, dù chính sách ưu đãi rất mạnh. Khu vực này gồm: Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên và một số vùng khác. Thứ hai, chúng ta không thành công trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Thứ ba, thu hút đầu tư vào nông nghiệp có tỷ lệ vốn đầu tư còn thấp.


Trong khi đó, đầu tư vào bất động sản lại tăng nhanh, dù các doanh nghiệp không được hưởng bất cứ ưu đãi nào. Do vậy, có thể nói, ưu đãi đầu tư không thể thay thế được cho các yếu tố khác. Mặc dù, các doanh nghiệp thấy rằng, ưu đãi là một yếu tố quan trọng.

 

Xin ông cho biết, đâu là rào cản chính trong việc thu hút vốn FDI của Việt Nam?


Chúng ta đã nhìn nhận được những hạn chế để thu hút đầu tư nước ngoài. Có 3 hạn chế rất lớn. Thứ nhất là kết cấu hạ tầng về giao thông, điện, nước chưa đồng bộ, làm cản trở khả năng hấp thụ nguồn vốn và khai thông các nguồn lực khác. Thứ hai, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng đang là một rào cản. Thứ ba là hạn chế trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

 

Trước mắt, chúng ta sẽ làm gì để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thưa ông?


Nhiều tổ chức như: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức hợp tác phát triển Nhật Bản (Jaica), Ngân hàng Thế giới (World Bank)… đều cho rằng, vai trò của ưu đãi đầu tư khá quan trọng. Khi điều kiện đầu tư tương đồng thì nơi nào có ưu đãi hơn sẽ thu hút được đầu tư. Dường như các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi đầu tư có xu hướng tiếp tục mở rộng đầu tư, tái đầu tư.


Do vậy, Việt Nam đang gấp rút hình thành xây dựng Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… để ưu đãi đầu tư gắn với các dự án cụ thể. Thay vì cấp phép đầu tư theo cách truyền thống, chúng ta sẽ đàm phán với từng dự án lớn để cấp ưu đãi đầu tư theo khung pháp luật.


Thứ hai, các ưu đãi sẽ được giám sát chặt chẽ hơn, nếu nhà đầu tư không thực hiện đúng có thể bị phạt. Bên cạnh đó, chúng ta sẽ ưu tiên kiểm soát chặt chẽ hơn việc cấp phép đầu tư, hạn chế việc cấp tỉnh ban hành ưu đãi đầu tư, để tránh việc cạnh tranh không lành mạnh, không thống nhất trong cả nước.


Việc cấp phép đầu tư trong thời gian tới của chúng ta sẽ có lựa chọn kỹ hơn. Những dự án có chất lượng cao sẽ được ưu tiên và chúng ta cũng phải học cách từ chối các dự án kém chất lượng.

 

Hữu Vinh

Coi trọng chất lượng dự án FDI
Coi trọng chất lượng dự án FDI

Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để thu hút được nhiều vốn đầu tư hơn và nâng cao chất lượng dự án, Việt Nam cần vận dụng những chính sách cho phù hợp với yêu cầu của các nhà đầu tư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN