Hối hả thu hái chè trên cao nguyên Mộc Châu

Thời điểm này, khắp các đồi chè trên cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La, người nông dân đang hối hả bước vào vụ thu hái chè. Đây là vụ thu hái chè búp đầu tiên trong năm, không chỉ mang lại thu nhập đáng kể cho người nông dân mà còn là điều kiện quan trọng quyết định năng suất, chất lượng những vụ chè tiếp theo.

Chú thích ảnh
Nông dân huyện Mộc Châu (Sơn La) thu hái chè. Ảnh: TTXVN phát

Chưa đầy 2 giờ đồng hồ, gần 4.000 m2 chè được thu hoạch xong bằng máy với hơn 5 tạ búp tươi, gia đình bà Trần Thị Hương ở tiểu khu Chè Đen 1, thị trấn Nông trường Mộc Châu rất phấn khởi và chia sẻ về việc chăm sóc cây chè theo đúng quy trình nên đạt năng suất và chất lượng cao. 

Cây chè 1 năm cho thu hái từ 5 đến 6 lứa; trong đó, vụ chè Xuân là lứa thu hái đầu tiên trong năm. So với các vụ thu hoạch khác, chè Xuân có hương thơm, đậm vị được nhiều khách hàng ưa chuộng. Để đảm bảo chất lượng vùng nguyên liệu chè, Công ty Vinatea Mộc Châu đã chỉ đạo các đội sản xuất thực hiện nghiêm tiêu chuẩn chất lượng và sản xuất ứng dụng công nghệ cao. 

Bà Hoàng Thị Miền, Đội trưởng đơn vị 69, Vinatea Mộc Châu cho biết, đơn vị chăm sóc cây chè theo đúng các tiêu chuẩn, nhất là đảm bảo sản phẩm chất lượng chè sạch để xuất khẩu đi nước ngoài. 

Là đơn vị sản xuất chè thành lập sớm nhất tại Sơn La, Vinatea Mộc Châu hiện có hơn 550 ha chè nguyên liệu, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 10.000 tấn, sản xuất 2.500 tấn chè thành phẩm với những sản phẩm chè nổi bật. Cụ thể như chè Ôlong, chè Pekoe, chè Pouchung, chè Vân Sơn...

Trên 90% số sản phẩm của công ty được xuất khẩu sang các nước Afghanistan, Pakistan, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... Năm 2022, UBND tỉnh Sơn La đã quyết định công nhận vùng chè ứng dụng công nghệ cao Vinatea Mộc Châu với tổng diện tích hơn 329 ha chè của 1.179 hộ dân trồng chè tại thị trấn Nông trường Mộc Châu liên kết sản xuất với Vinatea Mộc Châu. Vụ chè đầu năm nay, Vinatea Mộc Châu dự kiến thu mua 900 tấn chè búp tươi của gần 2.000 hộ liên kết sản xuất với công ty. 
 
Giám đốc Vinatea Mộc Châu Lê Chí Long thông tin, năm 2023 là năm đầu sau phục hồi COVID-19 nên sản xuất đi vào một guồng quay rất cao. Ngay từ đầu năm, công ty đã họp triển khai với các đơn vị nông nghiệp và đơn vị sản xuất tổ chức chương trình số hóa thu mua chè từ ngoài đồi chuyển về nhà máy, đồng thời cập nhật lên trên hệ thống máy tính của công ty.

Chú thích ảnh
Đồi chè ở cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Nguyễn Cường/TTXVN

Cao nguyên Mộc Châu, vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu rất thích hợp cho cây chè phát triển. Hiện nay, huyện Mộc Châu có trên 2.100 ha chè, sản lượng búp tươi hàng năm đạt trên 25.000 tấn. Cùng đó, có trên 10 công ty, doanh nghiệp, nhà máy chế biến chè búp tươi, với công suất khoảng 300 tấn/ngày; giải quyết việc làm cho trên 3.000 hộ dân vùng nguyên liệu và khoảng 600 người lao động thường xuyên trong các công ty, doanh nghiệp.

Với sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người trồng chè, tin tưởng cây chè tiếp tục khẳng định là một trong những cây chủ lực trên cao nguyên Mộc Châu, giúp người dân nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nguyễn Cường - Đức Cường (TTXVN)
Cây chè bám rễ ở Lai Châu, giúp đồng bào vùng cao xóa đói giảm nghèo
Cây chè bám rễ ở Lai Châu, giúp đồng bào vùng cao xóa đói giảm nghèo

Nhằm góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây chè. Sau nhiều năm bén rễ trên mảnh đất Lai Châu, cây chè đã từng bước khẳng định vị thế và trở thành cây trồng mũi nhọn của địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN