Cụ thể, Phú Thọ có diện tích lấy nước đạt cao nhất là 40%, tiếp đến là Nam Định 39%, Ninh Bình 33%, Hà Nam 25%, Hải Phòng 19%, Vĩnh Phúc 14%, các địa phương còn lại đạt từ 0 - 9%.
Mực nước trung bình ngày thứ 3 lấy nước đợt 1 (tính từ 0 giờ đến 16 giờ ngày 8/1) tại Trạm thủy văn Hà Nội đạt 1,55 m, cao nhất lúc 11 - 12h đạt 1,9 m.
Mực nước trong ngày vẫn bảo đảm đủ điều kiện cho các công trình thủy lợi đã được nâng cấp và công trình vùng ảnh hưởng triều vận hành.
Cụ thể, các công trình thủy lợi thuộc vùng không ảnh hưởng triều như tại: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội với các trạm bơm đã được nâng cấp, hạ thấp cao trình đặt máy và các trạm bơm dã chiến đủ điều kiện hoạt động tốt.
Tương tự các năm gần đây, các công trình chưa được nâng cấp không đủ điều kiện mực nước để vận hành như: Trung Hà, Liên Mạc, Long Tửu, riêng trạm Xuân Quang vận hành hạn chế.
Các công trình thủy lợi thuộc khu vực vùng triều như: Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình đủ điều kiện vận hành hiệu quả.
Trong đợt 1 lấy nước, các địa phương chủ yếu lấy nước để thau chua, rửa mặn, thau rửa hệ thống thủy lợi, tích trữ nước vào hệ thống kênh mương, vùng trũng.
Tổng cộng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân 2022 - 2023 của 11 tỉnh, thành phố theo kế hoạch là 498.709 ha.
Tổng cục Thủy lợi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị quản lý khai thác tiếp tục vận hành các phương tiện để lấy nước. Tập đoàn Điện lực Việt Nam bảo đảm duy trì lượng dòng chảy theo yêu cầu, tại Trạm Thủy văn Hà Nội ở mức trung bình khoảng 1,7 m.