Việc xây dựng mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp kiểu mới theo Luật HTX năm 2012 hoàn toàn không phải là điều dễ dàng nếu như không thoát khỏi những “ám ảnh” về sự yếu kém, bất cập của phương thức hợp tác kiểu cũ. Thế nên, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã và đang xuất hiện những HTX kiểu “ba không”: Không có sự đồng lòng của bà con nông dân, không vốn và không đất đai.
Nỗi buồn của chủ tịch HTX
Mặc dù từ cuối năm 2014, thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình HTX làm ăn kém hiệu quả sang mô hình mới nhưng đến nay HTX tôm càng xanh Phú Long (xã Phú Thạnh B, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) chẳng có gì ngoài việc hình thành tổ chức bộ máy nhân sự. Ông Lê Bá Tòng, Chủ tịch HTX tôm càng xanh Phú Long, buồn bã nói: “Ngoài tấm bảng hiệu, con dấu thì HTX chẳng có đất đai, văn phòng, đồng vốn nào hết. Đầu năm 2015, UBND huyện vận động được 7 thành viên vào lại HTX, cơ cấu 3 thành viên giữ chức vụ Chủ tịch, Giám đốc và Phó giám đốc. Nói thiệt, tổ chức bộ máy thì rất bài bản cho giống với người ta chứ chẳng làm được gì. Kế toán HTX cũng không có vì lấy tiền đâu ra mà trả lương cho họ”.
Nông dân đang thu hoạch tôm ở vùng ĐBSCL. |
Theo ông Tòng, HTX tôm càng xanh Phú Long được thành lập từ năm 1992 có 7 xã viên với tổng vốn góp là 45 triệu đồng. Vào thời điểm đó, ban chủ nhiệm HTX chỉ làm mỗi việc tính toán sản lượng để công ty thủy sản đến thu mua tôm càng và báo lịch xuống giống. “Không lo đầu vào con giống, thức ăn, thuốc nên chất lượng tôm càng của các xã viên và bà con không đồng nhất, giá thành cao. Không kiểm soát đầu ra, cộng thêm kiểu làm ăn bội tín nhiều người, không giao đủ số lượng như cam kết cho công ty, hàng đẹp thì bán ra ngoài cho thương lái để thu được nhiều tiền hơn… nên lúc HTX mới thành lập, diện tích nuôi tôm càng xanh lên đến 700 ha, bây giờ chỉ còn 200 ha. Bởi vậy, được mấy lần thu mua, mấy công ty cũng đã “bỏ chạy”. Cộng thêm điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn, năng suất sụt giảm, chi phí tăng cao, rồi bị thương lái o ép, giá đầu ra thấp nên thua lỗ, nhiều hộ dân phải “treo” ao. Ban chủ nhiệm HTX cũ chẳng giúp gì được cho bà con xã viên, thậm chí số tiền xã viên đóng góp cũng không còn. Vừa rồi tôi đi vận động bà con vào HTX, họ nói vô làm cái gì, đóng tiền vào rồi có lợi ích gì đâu. Dù qua tuyên truyền, họ vẫn hiểu vào HTX để làm ăn tập thể, có đầu ra ổn định khi liên kết với doanh nghiệp nhưng “ác cảm” từ thất bại của HTX trước đây khiến họ e ngại”, ông Tòng ngán ngẩm nói.
Theo ông Phạm Văn Tho, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh có 179 HTX nông nghiệp nhưng trong đó có 15 HTX xếp loại hoạt động yếu kém, trong đó có HTX tôm càng xanh Phú Long. Để có thể vực dậy, ông Tòng biết rõ phải triển khai được các dịch vụ nông nghiệp như: cung cấp nguồn tôm giống tốt, thức ăn nuôi tôm chất lượng với giá thấp, tìm được đầu ra ổn định là yếu tố quyết định tạo nguồn thu cho HTX, xây dựng niềm tin cho bà con nông dân. Tuy nhiên, hiện HTX không có vốn để có thể triển khai dù đã có ý tưởng, cách làm cụ thể.
“Đứng ngoài” chính sách
Với cách sản xuất manh mún, nhỏ lẻ trong thời gian dài, không ít hộ nuôi tôm nằm trong HTX Phú Long phải hoạt động cầm chừng.Vụ tôm năm nay, nhiều hộ nông dân tái thả đàn chỉ bằng 1/10 so với năm ngoái nhằm mục đích đáo hạn nợ ngân hàng. Vì nếu ngưng hoạt động, ngân hàng sẽ siết nợ, mất đất sản xuất. Ngay cả trường hợp ông Tòng, với diện tích 22 ha mặt nước, cũng chỉ tái sản xuất với diện tích 5 ha.
“Mấy hôm trước, các anh trên huyện gợi ý tôi là cung ứng thuốc, thức ăn, tôm giống cho thành viên HTX và bà con nhưng ban quản lý HTX lấy tiền đâu mà trả cho công ty. Lấy thức ăn thì phải trả tiền trước, đâu ai cho thiếu. Vừa rồi chúng tôi mời được hơn 20 đại diện hộ nông dân và động viên họ vào HTX, cũng trình bày cho họ hiểu về những lợi ích phát triển dịch vụ nông nghiệp của HTX, khi đưa giấy xin vào HTX thì họ ký nhưng góp tiền thì họ nói không có”, ông Tòng cho biết thêm.
Có thể nói, đó là một “nút thắt” rất lớn dù rằng HTX này đang cố gắng khoác lên mình “chiếc áo mới” nhưng vẫn là một “cỗ máy” bất động khi nhận thức kinh tế tập thể của nông dân còn hạn chế và nhất là tư tưởng của các thành viên vào HTX chỉ muốn hưởng các chính sách ưu đãi, không thấy hết nghĩa vụ và trách nhiệm đối với HTX. Ông Phạm Văn Tho cho biết, đây là thực trạng chung của nhiều HTX ở tỉnh Đồng Tháp và điều này cũng khiến cho các HTX này “đứng ngoài” những chính sách, dự án hỗ trợ của Nhà nước.
“Thực tế HTX không có đất đai thì không thể phát triển dịch vụ được. Ví dụ như muốn có dịch vụ bán phân, thuốc, thức ăn thì có phải có kho chứa, muốn có nhà máy làm nước sạch thì phải có đất đặt trạm. Dù Nhà nước có dự án, chính sách hỗ trợ sân phơi, lò sấy… nhưng mà không có đất thì cũng bất lực. Vì có dùng tiền hỗ trợ cho dự án nào đó, dứt khoát có nguyên tắc là không được dùng số tiền đó đi mua đất”, ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết.
Như vậy, rõ ràng việc chuyển đổi những HTX yếu kém như HTX tôm càng xanh Phú Long trở thành một HTX hoạt động theo phương thức mới, phù hợp với thực tiễn là một bài toán vô cùng khó khăn. Chính quyền địa phương cần phải xem xét nếu không cần duy trì hoạt động sản xuất, thì nên mạnh dạn giải thể đối với những HTX nhiều năm liền không hoạt động sản xuất. Ông Công không ngần ngại cho rằng, một kinh nghiệm quý giá là nên tập trung đầu tư vào HTX có điều kiện, có đoàn kết tốt, bà con nông dân quyết tâm làm, chứ không rải ra hết cho 179 HTX. “Chúng ta không nên có tư tưởng cào bằng, bởi từ hiệu quả của HTX này sẽ kéo những nơi khác thấy được và dần thay đổi tư duy”, ông Công nói.
Bài 2: Bất cập về nhận thức