Tuy nhiên, năng lực của hợp tác xã, doanh nghiệp còn hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ nên việc hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước trong thời điểm này rất quan trọng để tận dụng nhu cầu phục hồi từ thị trường thế giới và dẫn dắt hợp tác xã theo hướng đi hiệu quả và bền vững.
Đa dạng hình thức kết nối
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường-Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã thời gian qua đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Thống kê cho thấy, cả nước có trên 26.000 hợp tác xã, hoạt động đa dạng trong nhiều lĩnh vực; trong đó, có hơn 17.000 hợp tác xã nông nghiệp. Đáng lưu ý, nhiều hợp tác xã đã đẩy mạnh chế biến, liên kết với doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu; sản phẩm của hợp tác xã đã xuất khẩu đạt giá trị cao; xuất khẩu sản phẩm hàng hoá của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có xu hướng tăng lên.
Điều này cho thấy, việc đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường là rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh hoạt động giao thương trực tiếp bị gián đoạn bởi COVID-19.
Theo đó, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã trực tiếp tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại trực tuyến giúp các hợp tác xã đạt được hiệu quả trong việc chinh phục thị trường nước ngoài.
Cụ thể như: 7.000 hợp tác xã xây dựng chỉ dẫn địa lý; trên 1.300 hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị; gần 1.500 hợp tác xã thành lập doanh nghiệp trực thuộc đẩy mạnh xuất khẩu; hơn 60% hợp tác xã ngoài tiêu thụ bán buôn, bán lẻ mở rộng tiêu thụ qua các kênh bán lẻ trực tiếp và trực tuyến.
Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội) là một trong những mô hình tiêu biểu thực hiện sản xuất nông nghiệp thông minh và chuyển đổi số trong nông nghiệp bằng các giải pháp đồng bộ như: nhật ký điện tử, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh, hệ thống camera giám sát đồng ruộng, tem truy xuất nguồn gốc QR code gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu.
Ngoài ra, hợp tác xã còn đẩy mạnh bán hàng qua các trang mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử nên dù dịch COVID-19 tác động nhưng chuỗi sản xuất tiêu thụ của Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn vẫn duy trì, phát triển ổn định. Doanh thu của hợp tác xã năm 2021 ước đạt khoảng 14 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2020.
Đóng góp quan trọng từ hoạt động chuyển đổi còn thấy rõ từ việc hàng nghìn tấn vải thiều của Bắc Giang được tiêu thụ thành công trên sàn thương mại điện tử. Mô hình thành công này đang được nhiều tỉnh, thành trên cả nước áp dụng hiệu quả. Từ đó, góp phần hạn chế ùn ứ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh.
Có thể thấy, việc áp dụng sản xuất thông minh, thực hiện chuyển đổi số có vai trò rất quan trọng trong việc minh bạch hóa quy trình sản xuất, cung cấp thông tin sản phẩm cho thị trường một cách chính xác. Đồng thời, đảm bảo yêu cầu về đầu ra cho người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.
Hơn nữa, sự đa dạng các phương thức tiếp cận thị trường thông qua môi trường số đã giúp người dân, hợp tác xã từng bước thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Vì thế, việc thay đổi phương thức kinh doanh từ bán hàng truyền thống sang trực tuyến kết hợp giao hàng tận nơi đã góp phần mở rộng đối tượng khách hàng.
Thế nhưng đến nay, hoạt động xúc tiến thương mại còn nhiều tồn tại, hạn chế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Điều này do nhiều nguyên nhân như chất lượng nhân lực, tài chính, quy mô hoạt động, năng lực dự báo tổ chức sản xuất thị trường xuất khẩu hạn chế.
Do đó, ông Nguyễn Mạnh Cường đề xuất Bộ Công Thương và các bộ ngành cần hỗ trợ quan tâm nhiều hơn tới hợp tác xã để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, Bộ Công Thương bố trí nguồn lực hàng năm từ các chương trình khuyến công quốc gia, xúc tiến thương mại... để Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cùng thực hiện đề án đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại.
Chuyển đổi phương thức
Theo đánh gia từ các chuyên gia, việc thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp là việc người dân, hợp tác xã có thể làm. Tuy nhiên, thực tế tại nhiều hợp tác xã nông nghiệp, việc áp dụng nền tảng kinh tế số vào sản xuất, phát triển chuỗi giá trị vẫn còn sơ khai.
Nguyên nhân là đa số người lao động, thành viên hợp tác xã xuất phát từ nông dân, trình độ tiếp cận thị trường chậm, khoa học công nghệ còn kém, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm trong sản xuất.
Hơn nữa, việc nắm bắt thông tin thị trường và kết nối giao thương giữa người dân, hợp tác xã với các siêu thị, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hạn chế, chưa thường xuyên. Đi kèm với đó là đầu tư sản xuất công nghệ cao đòi hỏi nguồn kinh phí lớn trong khi hầu hết các hợp tác xã đều thiếu vốn và kinh nghiệm.
Chia sẻ về tiếp cận với doanh nghiệp, khách hàng sau khi đã ứng dụng chuyển đổi số thành công, theo bà Nguyễn Thị Thu Liên (Câu lạc bộ đổi mới sáng tạo rau hoa quả) cho biết, Vingroup (trước đây) đã mở một lúc hàng trăm cửa hàng, thực hiện treo biển khắp nơi để hiện diện thương hiệu hay như Bách hóa xanh cũng vậy. Điều này là để khách hàng nhanh chóng nhớ đến và lựa chọn sản phẩm của mình.
Tuy nhiên, việc hiện diện thương hiệu trong môi trường số thuận lợi hơn cách làm truyền thống là có thể giúp tiết kiệm chi phí. Việc các hợp tác xã, người dân cần quan tâm là làm sao để có thương hiệu đẹp, ấn tượng nhằm thu hút khách hàng”,.
Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trên thực tế, năng lực số của hợp tác xã, doanh nghiệp còn hạn chế nên việc tham gia xúc tiến thương mại trên môi trường số còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù Việt Nam đã có chuyển đổi số nhưng mới là khởi đầu.
Do vậy, để đẩy mạnh quá trình này phải có cơ chế, cụ thể hóa biện pháp để thực hiện tốt chuyển đối số trong hoạt động xúc tiến thương mại như cập nhật, chia sẻ dữ liệu tiến tới hệ thống hóa là yếu tố tiên quyết; tạo động lực cho đổi mới.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, hoạt động xúc tiến xuất khẩu hiện tại vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Một trong số đó là năng lực cung ứng sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã còn yếu. Đây là khó khăn lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi xúc tiến thương mại tới đây sẽ chuyển dịch phần lớn sang kênh trực tuyến.
Hơn nữa, cơ chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp về xúc tiến xuất khẩu đã có nhưng thực tế luôn đi nhanh hơn chính sách nên cũng khiến xúc tiến thương mại chậm nhịp hơn yêu cầu thực tiễn.
Theo ông Vũ Bá Phú, trong năm 2022, Cục Xúc tiến thương mại sẽ chú trọng vào các chương trình trung - dài hạn với những mặt hàng xuất khẩu trọng điểm, khai thác lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA), kết nối giao thương trực tuyến. Qua đó, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã có cơ hội thâm nhập thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu trên môi trường số.