Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do sự vào cuộc của các địa phương chưa cao, nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng mô hình chưa rõ nên khó khăn trong lập kế hoạch của các địa phương.
Hội nghị triển khai Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2016 – 2020”. Trong ảnh: Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Duy Khương/TTXVN |
Việc lựa chọn HTX tham gia thí điểm gặp khó khăn do phần lớn HTX có số lượng thành viên và vốn góp ít, điều kiện cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng còn hạn chế, năng lực và trình độ giám đốc HTX thấp, liên kết giữa HTX với doanh nghiệp hạn chế nên khó đáp ứng các tiêu chí.
Việc thẩm tra danh sách các HTX tham gia thí điểm theo Quyết định 445 chậm, một số tỉnh sau khi đăng ký tiếp tục thay đổi nên việc chốt danh sách các HTX để các tỉnh xây dựng kế hoạch gặp khó khăn...
Theo Quyết định 445, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tập trung củng cố và phát triển hoặc thành lập mới khoảng 200 HTX nông nghiệp, bình quân mỗi tỉnh có từ 10-15 HTX, khi nào đủ điều kiện thì sẽ thí điểm mô hình Liên hiệp HTX cấp tỉnh, cấp vùng sau.
Có 8 tiêu chí để lựa chọn HTX tham gia thí điểm. Tuy nhiên, đến giữa tháng 12/2016 mới có 2/8 tỉnh, thành gồm Cần Thơ và Đồng Tháp đã tổ chức triển khai Quyết định 445.
Các HTX nông nghiệp tham gia mô hình thí điểm sẽ được hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý, cán bộ tư vấn, cán bộ các ban ngành chủ chốt cấp xã.
Các HTX nông nghiệp được tăng cường các giải pháp huy động vốn cho sản xuất kinh doanh, được hỗ trợ thu hút và nâng cao năng lực cán bộ khoa học kỹ thuật của HTX, phát triển mở rộng liên kết sản xuất và đẩy mạnh mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, được hỗ trợ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp cho các HTX...
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay có 1.119 HTX nông nghiệp, thu hút 107.641 thành viên tham gia với tổng vốn điều lệ là 1.059 tỷ đồng, vốn hoạt động là 1.854 tỷ đồng. Doanh thu bình quân là 1,754 tỷ đồng/HTX/năm, lợi nhuận bình quân là 154,9 triệu đồng/HTX/năm.
Thu nhập bình quân của thành viên HTX nông nghiệp là ,9 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của người lao động làm việc trong HTX nông nghiệp là 16,2 triệu đồng/năm. Các địa phương có đông thành viên tham gia HTX nông nghiệp nhất là Đồng Tháp, Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang.
Nhìn chung, các HTX nông nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng. Sau 3 năm kể từ khi Luật HTX có hiệu lực đã có 347 HTX thành lập mới. Các HTX mới thành lập đã lựa chọn mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với thị trường, phương thức tổ chức, hoạt động từng bước thích nghi với thị trường và các chủ trương, chính sách của nhà nước, quyền lợi của thành viên ngày càng gắn kết hơn với quyền lợi của HTX.
Tuy nhiên, hoạt động của HTX còn nhiều hạn chế cần khắc phục như: hầu hết các HTX còn lúng túng trong hoạt động, hiệu quả còn thấp, lợi ích mang lại cho thành viên ít, chưa có sức thu hút, tập hợp thêm thành viên tham gia.. Nhiều HTX hoạt động yếu kém, không hiệu quả phải giải thể.
Sau 3 năm kể từ khi Luật HTX có hiệu lực đã có tới 299 HTX phải giải thể, gần bằng với số HTX được thành lập mới, tập trung nhiều ở các tỉnh như Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang...