Chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đang là một xu hướng mạnh mẽ, tất yếu ở nhiều quốc gia trên thế giới bởi chính những lợi ích về cả kinh tế và môi trường.
Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sỹ Cấn Văn Lực (Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia) cho rằng, để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phải thực hiện nhiều việc. Về kế hoạch, chiến lược, Chính phủ đã ban hành Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Thủ tướng Chính phủ cũng có những cam kết mạnh mẽ và sau đó đã ban hành một số kế hoạch, giải pháp. Tuy nhiên, theo ông Cấn Văn Lực, cần có những chiến lược, kế hoạch, giải pháp cụ thể để đảm bảo thực hiện tốt cam kết tại COP 26. Bên cạnh đó, Chính phủ nên sớm ban hành Quy hoạch Điện VIII, một chiến lược quan trọng để phát triển ngành điện bền vững.
Vấn đề tiếp theo là phải huy động nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế xanh. Hiện nay, Chính phủ đang rất quyết liệt, huy động nhiều nguồn lực khác nhau bao gồm cả song phương, đa phương, trong nước và quốc tế. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, nếu phát triển kinh tế xanh, mỗi năm Việt Nam cần nguồn lực là 6,8% GDP, tức là khoảng 28 - 30 tỷ USD. Theo đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước chỉ có thể đáp ứng khoảng 1/3 nguồn lực, 2/3 còn lại phải huy động nguồn lực tư nhân ở trong và ngoài nước.
Đặc biệt, để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phải có sự vào cuộc của cả doanh nghiệp và các địa phương; có kế hoạch truyền thông cụ thể về văn hóa xanh, văn hóa phát triển bền vững để cả người dân, doanh nghiệp cùng tham gia tích cực. Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách rõ ràng về thuế, phí, tiếp cận đất đai, tín dụng để một mặt thúc đẩy phát triển kinh tế xanh mặt khác có chế tài rất mạnh để xử lý doanh nghiệp vi phạm về môi trường, phát triển bền vững...
Cải cách thể chế, chính sách về đất đai được coi là giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến trong các phiên thảo luận chuyên đề và bên lề Diễn đàn.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị, bổ sung phương thức cho doanh nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại và nhà ở xã hội. Theo ông Châu, Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao đã chủ trương có 2 phương thức tạo lập quỹ đất để lựa chọn nhà đầu tư dự án đô thị, nhà ở thương mại. Trong đó, đấu giá, đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư là phương thức chủ yếu và cho phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại.
Đối với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì phải thông qua sàn giao dịch bất động sản, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, cần chấn chỉnh lại các hoạt động môi giới bất động sản. Hiện nay có đến 300.000 nhân viên môi giới bất động sản trên toàn quốc thì chỉ có khoảng 30.000 người là có chứng chỉ hành nghề. Dựa vào nhu cầu, cá nhân mỗi người sẽ tự lựa chọn sàn giao dịch có uy tín. Việc giao dịch qua sàn bất động sản sẽ góp phần làm minh bạch thông tin của thị trường nhưng chúng ta cần thực hiện có lộ trình để tránh đặc quyền, đặc lợi.
Với những khuyến nghị, tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học, có sự tham gia đông đảo của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, ông Lê Hoàng Châu bày tỏ tin tưởng, những thể chế, cải cách liên quan đến đất đai trong thời gian tới sẽ tạo ra những động lực quan trọng để đất nước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ và hiệu quả hơn.