Tối 11/5, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis cảnh báo quốc gia chìm trong nợ nần này đang đối mặt nguy cơ cạn tiền trong vài tuần tới và việc giải ngân khoản tiền cuối cùng trong chương trình cứu trợ phối hợp giữa Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã trở thành nhu cầu vô cùng cấp bách.Phát biểu sau cuộc họp định kỳ hàng tháng của nhóm các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) ở thủ đô Brussels của Bỉ, ông Varoufakis nói rõ: "Thanh khoản là vấn đề hết sức cấp bách, mọi người đều biết điều đó nên đừng nói quanh co nữa".
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yaris Varoufakis. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ông nhấn mạnh xét về khía cạnh thời gian, Hy Lạp "chỉ còn khả năng thanh khoản trong vài tuần tới". Ông Varoufakis bày tỏ hy vọng tuyên bố của Eurogroup sau cuộc họp sẽ có tác dụng thuyết phục Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục bơm tiền cho các ngân hàng gặp khó khăn của Hy Lạp.
Tại cuộc họp nói trên, các đối tác trong Eurogroup tiếp tục giữ lập trường cứng rắn, khẳng định Hy Lạp không thể nhận 7,2 tỷ euro còn lại trong chương trình cứu trợ trị giá 240 tỷ euro phối hợp EU/IMF cho đến khi thực hiện những cải cách chủ chốt. Tuy nhiên, các quan chức này hoan nghênh tiến bộ Athens đã đạt được trong tiến trình đàm phán về cải cách và thừa nhận các bên cần có thêm thời gian và nỗ lực để hàn gắn bất đồng về những vấn đề tồn đọng.
Người đứng đầu Eurogroup Jeroen Dijsselbloem khẳng định cần đi đến thỏa thuận chính thức để Athens được giải ngân phần cứu trợ còn lại, nhưng đề xuất chia nhỏ chương trình cải cách của Hy Lạp thành nhiều bước để giải ngân từng phần khoản tiền 7,2 tỷ euro bị phong tỏa từ lâu. Ông Dijsselbooem cũng đề nghị Athens đưa ra những đề xuất chi tiết hơn. Ủy viên EU phụ trách các vấn đề kinh tế Pierre Moscovici kêu gọi Hy Lạp đưa ra những lựa chọn thay thế những cải cách mà nước này bác bỏ liên quan lương hưu và thị trường lao động.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài Chính Đức Wolfgang Schaeuble đưa ra ý tưởng Hy Lạp nên tiến hành trưng cầu ý dân về các kế hoạch cải cách và "thắt lưng buộc bụng". Theo ông Schaeuble, người Hy Lạp có thể tự xem xét họ sẵn sàng chấp nhận những việc làm cần thiết hay muốn một hướng đi khác. Ông nhấn mạnh ý tưởng này đã có ở Hy Lạp từ năm 2011 và cuối tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cũng đã bóng gió nói về khả năng này nếu các chủ nợ đưa ra những yêu cầu vượt quá sứ mệnh của Chính phủ do ông đứng đầu.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Hy Lạp cùng ngày thông báo đã chuyển cho IMF khoản nợ 750 triệu euro đáo hạn ngày 12/5. Tuy nhiên, nước này đang đối mặt với một lịch trình thanh toán nợ dày đặc, bao gồm 1,5 tỷ euro nợ IMF đáo hạn tháng 6 tới và 3 tỷ euro nợ ECB đáo hạn trong 2 tháng tiếp theo. Ngoài các kế hoạch phát hành trái phiếu, Athens đã yêu cầu huy động vốn từ các nguồn dự trữ của các thể chế công và chính quyền địa phương nhưng vấp đang phải sự phản đối từ các thị trưởng.
TTXVN/Tin Tức