Ông Rice nêu rõ: "Các số liệu mới đây cho thấy triển vọng (kinh tế thế giới) sẽ ít khốc liệt hơn so với dự báo đưa ra trong báo cáo cập nhật về Triển vọng kinh tế thế giới công bố ngày 24/6, với nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế toàn cầu bắt đầu vượt qua giai đoạn khó khăn". Tuy nhiên, ông Rice cho rằng triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều thách thức do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cũng như tác động của nó đối với nhiều lĩnh vực kinh tế.
Theo ông Rice, tình hình vẫn bất ổn ở nhiều nước đang phát triển và các thị trường đang nổi hơn so với Trung Quốc. Bên cạnh đó, IMF cũng quan ngại về mức độ nợ đang gia tăng.
Liên quan đến vấn đề nợ, ông Rice cho biết thể chế này sẽ cử một phái đoàn tới Argentina vào đầu tháng 10 tới để thảo luận về vấn đề tái cơ cấu nợ của nước này sau khi các cuộc đàm phán về thỏa thuận tái cơ cấu nợ mới được nối lại hồi tháng trước.
Trước đó, trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố ngày 24/6, IMF cho biết đại dịch COVID-19 đã gây ra một "cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng thấy", khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sụt giảm 4,9% trong năm 2020 và làm biến mất 12.000 tỷ USD trong 2 năm.
IMF cho biết hoạt động kinh doanh trên toàn cầu bị đình trệ khiến hàng trăm triệu việc làm biến mất, và các nền kinh tế lớn ở châu Âu đối mặt với suy thoái ở mức hai con số. Triển vọng phục hồi sau dịch bệnh rất bất trắc vì không thể dự báo hướng phát triển của virus. IMF cảnh báo: "Đại dịch COVID-19 đã gây ra tác động đến hoạt động kinh tế trong nửa đầu năm 2020 tiêu cực hơn dự báo, và sự phục hồi sẽ chậm chạp hơn các dự báo trước đây".