Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Vitor Gaspar, Trưởng ban Ban các vấn đề tài chính của IMF, khẳng định tầm quan trọng của hợp tác toàn cầu trong việc sản xuất và phân phối rộng rãi thuốc điều trị và vaccine tới mọi quốc gia với chi phí hợp lý. Quan chức này nhấn mạnh đại dịch càng sớm kết thúc thì các nền kinh tế càng nhanh chóng trở lại bình thường và người dân sẽ cần ít sự trợ giúp của chính phủ hơn.
Theo ông Gaspar, các nhà hoạch định chính sách cần chú ý tới mức nợ công, song vào thời điểm này, chống dịch bệnh nên là ưu tiên hàng đầu. Chính phủ các nước cần tập trung vào những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề và dễ tổn thương nhất như người nghèo, phụ nữ, những người lao động không chính thức và các công ty có thể duy trì hoạt động bền vững sau đại dịch hoặc đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế.
Chuyên gia IMF cũng nhấn mạnh các chính sách tài chính cần khuyến khích nền kinh tế chuyển đổi "xanh, kỹ thuật số và toàn diện" trong môi trường hậu COVID-19. Trong đó, cần chú trọng tới đầu tư cho hệ thống chăm sóc sức khỏe, giáo dục, cơ sở hạ tầng để giúp người dân trở lại làm việc cũng như củng cố hệ thống an sinh xã hội.
Trước đó, IMF công bố báo cáo Fiscal Monitor cho biết hỗ trợ tài chính toàn cầu tới cuối tháng 12/2020 đạt mức gần 14.000 tỷ USD so với mức 2.200 tỷ USD của tháng 10/2020. Tới cuối năm 2020, mức nợ công trung bình của thế giới đã gần chạm mức 98% GDP, vượt xa dự báo ước tính trước đại dịch là 84%.