Trong một tuyên bố đăng trên website chính thức của IMF, bà Kristalina Georgieva – Tổng Giám đốc IMF cho biết: “Hôm nay, tôi rất vui khi thông báo rằng Ban lãnh đạo đã thông qua gói cứu trợ cho 25 quốc gia thành viên của IMF, như một phần phản ứng cửa tổ chức nhằm đối phó với tác động từ đại dịch COVID-19. Các khoản cứu trợ này sẽ được chuyển tới các quốc gia nghèo và dễ bị tổn thương nhất khi phải trả các khoản nợ trong 6 tháng tới và tài trợ cho các nỗ lực cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ y tế”.
Đối với việc xóa nợ trên, Quỹ hỗ trợ và ứng phó thiên tai (ARC Trust Fund) của IMF sẽ đảm nhiệm. Quỹ ARC Trust Fund được thành lập từ năm 2015 với mục đích đối phó với sự bùng phát của dịch Ebola ở Tây Phi.
Hiện Quỹ này có thể viện trợ 500 triệu USD, trong đó có 185 triệu USD từ Anh và 100 triệu USD từ Nhật Bản. Các quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc và Hà Lan, sẽ góp phần quan trọng. Bà Georgieva cũng kêu gọi các nhà tài trợ khác ủng hộ cho Quỹ để đẩy mạnh năng lực đủ để xóa nợ hoàn toàn 2 năm cho các quốc gia nghèo nhất thế giới.
25 quốc gia nhận được khoản viện trợ xóa nợ bao gồm Afghanistan, Benin, Burkina Faso, Cộng hòa Trung Phi, Chad, Comoros, Cộng hòa Congo, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Haiti, Liberia, Madagascar, Malawi, Mali, Mozambique, Nepal, Niger, Rwanda, São Tomé and Príncipe, Sierra Leone, Solomon Islands, Tajikistan, Togo và Yemen.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo rằng đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định tài chính, khi các điều kiện tài chính toàn cầu vẫn đang thắt chặt so với hồi đầu năm.
Báo cáo về Bình ổn tài chính toàn cầu công bố ngày 14/4 của IMF nêu rõ: "Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, các điều kiện tài chính đã được siết chặt với tốc độ chưa từng thấy, gây ra một số "đứt gãy" trên các thị trường tài chính toàn cầu". IMF cũng ghi nhận sự bất ổn của thị trường đã lên đến đỉnh điểm, chi phí cho vay gia tăng, và nhiều dấu hiệu căng thẳng đã xuất hiện ở nhiều thị trường vốn lớn.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn AFP của Pháp, chuyên gia kinh tế cấp cao của IMF Gian Maria Milesi-Ferretti cho biết trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang khiến nền kinh tế thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng trầm trọng, việc chính phủ các quốc gia trên toàn cầu triển khai các chương trình chi tiêu khổng lồ nhằm cứu vớt nền kinh tế có thể sẽ làm tăng thêm các khoản nợ quốc gia, cũng như gây ra thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, ông cho rằng đây không phải là thời điểm để lo lắng hay bận tâm và liều thuốc tốt nhất là cần chuẩn bị khởi động lại sự tăng trưởng khi đại dịch COVID-19 qua đi.
Theo IMF, kinh tế toàn cầu có thể phải trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể tử cuộc Đại suy thoái diễn ra vào những năm 1930 khi nhiều nước trên thế giới phải vật lộn để chống đại dịch COVID-19.
Tổ chức này cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm 2020, đây là mức giảm nặng nề khi hồi tháng 1 chính IMF còn dự báo GDP toàn cầu tăng 3,3% năm nay. Nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath cho biết: "Rất có thể nền kinh tế toàn cầu sẽ phải trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái vào những năm 1930 và thậm chí còn tồi tệ hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây hơn một thập kỷ".
Theo số liệu thống kê của worldometers.info, tính đến sáng 16/4, số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới vượt ngưỡng 2 triệu người, trong đó có ít nhất 134.000 người tử vong.