Theo bài viết, Việt Nam là nơi có cộng đồng người Hàn Quốc lên tới hơn 200.000 người và là quốc gia mang lại thặng dư thương mại lớn nhất cho Hàn Quốc trong năm 2022. Việt Nam cũng là quốc gia có mức tiêu thụ bánh Choco Pie trị giá lên tới 100 tỷ won (81 triệu USD) mỗi năm và có 270 cửa hàng Lotteria.
Bài viết cho rằng khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, Việt Nam có sức hút mạnh mẽ đối với các công ty nước ngoài. Ví dụ như, Tập đoàn Apple sẽ sản xuất MacBook tại Việt Nam từ tháng 5 tới và cả tập đoàn Dell và HP cũng sẵn sàng đến Việt Nam. Một số lượng đáng kể các công ty nước ngoài cũng đang chuyển sang Việt Nam. Khi dòng vốn đầu tư vào và xuất khẩu tăng lên, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, năm 2022, Việt Nam đạt mức tăng trưởng 8,02% và lương của công nhân tăng trung bình 16%.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang trở thành cơ sở sản xuất toàn cầu. Vào tháng 12/2022, Việt Nam đã vượt qua Vương quốc Anh về thương mại với Mỹ và vươn lên vị trí thứ 7. Để sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm điện tử, Việt Nam cần nhập khẩu các linh kiện cảm biến, chíp bán dẫn, màn hình, thép và đây là những hạng mục mà Hàn Quốc đang có thế mạnh. Năm 2022, Hàn Quốc đã xuất khẩu 60,9 tỷ USD sang Việt Nam, tương đương hơn 50% so với tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Mỹ (109,8 tỷ USD) và gấp đôi xuất khẩu sang Nhật Bản (30,6 tỷ USD). Mặc dù Việt Nam đạt thặng dư thương mại lớn với Hàn Quốc với quy mô xuất siêu là 34,2 tỷ USD song quốc gia mà Hàn Quốc thu được nhiều lợi ích nhất trong năm qua chính là Việt Nam chứ không phải Trung Quốc hay Mỹ. Hàn Quốc đứng đầu cả về số lượng và giá trị đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính theo lũy kế. Hiện có khoảng 9.000 công ty Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam.
Nền kinh tế Việt Nam mở cửa vào năm 1986. Trong quá trình trên, Việt Nam đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển. Ở Việt Nam, các tập đoàn nội địa như Vingroup và VietJet đang phát triển nhanh chóng.