Nhân dịp này, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố ấn phẩm “Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2020”.
Hội thảo nhằm tổng kết toàn diện nền kinh tế Việt Nam năm 2020, đánh giá các chính sách ứng phó đối với đại dịch COVID-19 của Chính phủ, từ đó, đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, chuẩn bị những điều kiện cơ bản để phục hồi trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân – đồng chủ biên ấn phẩm “Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2020”, chia sẻ: Đại dịch COVID-19 đặt ra những thách thức chưa từng có tiền lệ và khó khăn to lớn đối với toàn bộ nền kinh tế, đã và đang tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến toàn bộ các ngành, khu vực, đối tượng khác nhau. Việc hoàn thành “mục tiêu kép” của năm 2020 là vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa giảm thiểu được những tác động tiêu cực của đại dịch, giúp duy trì tăng trưởng kinh tế. Dù ở mức tăng trưởng thấp nhất trong hơn 20 năm qua (tăng 2,91%), nhưng Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng cao nhất toàn cầu, trong bối cảnh tăng trưởng chung của kinh tế thế giới suy giảm 4%.
Mặc dù Chính phủ đã có những chính sách kịp thời trong gói hỗ trợ lần 1 nhằm hỗ trợ và giải cứu một số khu vực kinh tế và đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất nhưng đại dịch diễn biến phức tạp trở lại trên nhiều địa phương trong cả nước đang và sẽ tác động toàn diện, nặng nề hơn đến nền kinh tế. Tình trạng này đòi hỏi Chính phủ phải cân nhắc một gói hỗ trợ mới trong năm 2021 và thậm chí xa hơn, với quy mô lớn và độ bao phủ rộng hơn để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, duy trì phát triển kinh tế và chuẩn bị giai đoạn phục hồi sau đại dịch.
Ông Jacques Morisset, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã thể hiện được khả năng kiểm soát khủng hoảng COVID-19 và biến khủng hoảng thành cơ hội. Việt Nam đã nâng cao sự hiện diện trong thương mại toàn cầu và hàm lượng giá trị gia tăng nội địa trong các mặt hàng xuất khẩu. Quá trình chuyển đổi số được đẩy nhanh với việc kết nối, tận dụng các công cụ công nghệ thông tin mới tốt hơn; có tính toán đến chuyển đổi và tạo ra công nghệ xanh nhằm duy trì thế mạnh cạnh tranh…
Tuy nhiên, ông Jacques Morisset cũng chỉ rõ: Dịch COVID-19 khiến tại Việt Nam xuất hiện những nguy cơ tổn thương mới. Cụ thể như: 46% hộ gia đình cho biết thu nhập tháng 12/2020 thấp hơn so với 1 năm trước đó. Các chương trình xã hội hiện nay mới chỉ tập trung vào đối tượng nghèo theo chương trình mục tiêu quốc gia hoặc các nhóm đặc biệt; các chương trình gần đây trong gói hỗ trợ của tháng 4/2020 chưa được thực hiện tốt, chưa đến 1% đối tượng được nhận hỗ trợ…
Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế đã đề xuất một số khuyến nghị chính sách nhằm đưa đất nước vượt qua đại dịch COVID-19. Theo đó, chính sách tiền tệ nới lỏng cần hết sức thận trọng về quy mô và thời gian kéo dài, đặc biệt khi các hoạt động kinh tế sôi động trở lại. Chính sách tài khóa cần phải chi tiêu đúng trọng tâm, tiết kiệm, hỗ trợ các đối tượng thực sự cần thiết. Ưu tiên cao nhất là hỗ trợ những người mất việc làm, kể cả khu vực chính thức và phi chính thức, tiếp đến là các hỗ trợ về chi phí đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Các chính sách hỗ trợ lợi nhuận hoặc hàng hóa xa xỉ chưa phù hợp cần được thiết kế lại.
Chính phủ cũng cần thu hẹp đối tượng thụ hưởng chính sách, giảm mức thu các loại phí, lệ phí dựa trên mức độ chịu tác động bởi đại dịch. Các chính sách liên quan đến an sinh xã hội phải được xếp theo thứ tự ưu tiên hàng đầu. Cùng với đó, cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; tập trung cắt giảm lãi suất cho vay hơn là lãi suất huy động; đồng thời, giám sát chặt chẽ dòng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, phi sản xuất để đảm bảo cơ cấu tín dụng lành mạnh và an toàn hệ thông trong tương lai.
Các chuyên gia cũng cho rằng song hành với những chính sách mang tính ngắn hạn đang được thực hiện nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, Việt Nam nên kiên trì với những cải cách dài hơn để cải thiện nền tảng vĩ mô và giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Cụ thể như: đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào công nghệ - đổi mới sáng tạo, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp; hoàn thiện thể chế, tôn trọng và bảo vệ sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; phát triển khu vực tư nhân đổi mới, năng động, sáng tạo… Những giải pháp mang tính dài hạn này để chuyển đổi căn bản mô hình tăng trưởng, gia tăng chất lượng tăng trưởng cần được kiên quyết thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất.