Tại hội nghị, ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã yêu cầu lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm soát chặt chẽ việc xuất bến của tàu cá; kiên quyết không cho ra khơi những tàu cá không bảo đảm các yêu cầu theo quy định.
Cùng đó, chấm dứt tình trạng tàu cá hoạt động không có giấy phép, không trang bị thiết bị giám sát hành trình vẫn được ra khơi và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm; bố trí tàu trực chốt 24 /24 tại cửa Hà Lạn, Ninh Cơ và cửa Đáy cho đến hết năm 2021 nhằm ngăn chặn, phát hiện các lỗi vi phạm về khai thác IUU.
Tại hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế của ngành khai thác hải sản tỉnh Nam Định trong thời gian qua, đồng thời đưa ra nhiều phương hướng, giải pháp tháo gỡ khó khăn để cùng với cả nước sớm gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) cho ngành thủy sản Việt Nam.
Theo số liệu của ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định, tính đến ngày 22/7, tổng số tàu cá đã lắp thiết bị giám sát hành trình đạt 86,22%. Bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho biết, còn nhiều chủ tàu chưa quan tâm đến việc đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm chưa được thực hiện thường xuyên liên tục dẫn đến người dân có tâm lý coi thường pháp luật.
Đại tá Vũ Ngọc Vân, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định cho biết, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 7, lực lượng biên phòng đã xử phạt vi phạm hành chính về khai thác thủy sản 247 triệu đồng.
Hiện nay, hầu hết cơ sở hạ tầng tại các cảng cá ở Nam Định chưa đáp ứng được nhu cầu bốc dỡ hàng hóa thủy sản. Chủ tàu, thuyền trưởng chưa chấp hành thông báo trước 1 giờ khi tàu rời, cập cảng. Việc ghi, nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác chưa đầy đủ, chính xác. Tại các huyện ven biển có nhiều bến cá tự phát ở nhiều nơi nên không thể kiểm soát hết được tàu xuất, nhập bến.
Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Nam Định cho biết, hạ tầng dịch vụ nghề cá trên địa bàn còn rất thiếu. Hiện chỉ có một cảng cá Ninh Cơ đáp ứng được nhu cầu bốc dỡ hàng hóa của tàu lớn nên nhiều tàu cá thường bán luôn hải sản trên biển hoặc cập cảng tại các tỉnh khác. Đặc biệt, tỉnh Nam Định chưa có nơi neo đậu cho tàu thuyền có chiều dài từ 15 m trở lên, nhất là các tàu đóng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 7/7/2014 của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản.
Theo ông Trần Văn Thanh, chủ tàu cá xã Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng, hiện nay nhiều tàu cá lớn không muốn vào các cảng cá tại Nam Định là do dịch vụ hậu cần nghề cá còn yếu, hạ tầng chưa đồng bộ. Mặt khác, vẫn còn có nhiều thủ tục giấy tờ làm cho ngư dân mất nhiều thời gian. Vì vậy, ông Thanh đề nghị các cơ quan chức năng, sớm đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá và nghiên cứu giảm bớt thủ tục tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển.
Bà Hoàng Thị Tố Nga cho rằng, số tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, theo báo cáo thì số tàu này chủ yếu là nằm bờ không hoạt động, nhưng đây chỉ là báo cáo của địa phương. Để kiểm soát được chính xác số tàu trên, bà Hoàng Thị Tố Nga đề nghị Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với các địa phương tăng cường, kiểm tra, vận động chủ tàu khẩn trương lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Ông Vũ Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu khẳng định, thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với cảng cá Ninh Cơ, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Hải Thịnh, Đồn Biên phòng Văn Lý tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển và thanh tra tại các cảng cá để nâng cao hoạt động thực thi pháp luật. Đồng thời, nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm tàu khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.