Để đạt được mục tiêu này, Quảng Ngãi đã thực hiện đồng bộ các giải pháp quan trọng để gỡ “thẻ vàng” mà Ủy ban Châu Âu (EC) đưa ra đối với thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, hiệu quả của phong trào này vẫn chưa được như mong muốn.
Nỗ lực từ nhiều phía
Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi Dương Văn Tô cho biết, năm 2018, Quảng Ngãi chưa ghi nhận trường hợp nào vi phạm. Đây là thành quả của những nỗ lực không ngừng của chính quyền Quảng Ngãi trong việc thực hiện các giải pháp góp phần gỡ “thẻ vàng” mà Ủy ban Châu Âu đưa ra đối với thủy sản Việt Nam.
Để giảm thiểu vi phạm và ràng buộc người dân đánh bắt thủy hải sản theo quy định, tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng các chính sách, cơ chế quy định ngư dân nếu vi phạm sẽ không được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Các trường hợp vi phạm sẽ bị tước bằng thuyền trưởng, thu hồi giấy phép khai thác hoặc không cho hưởng chính sách hỗ trợ ít nhất một năm. Đây được xem là một trong các giải pháp cứng rắn đủ để răn đe các thuyền đi khai thác xâm phạm vùng biển nước ngoài.
Theo các chủ tàu có kinh nghiệm, hiện nay, các nước thống nhất đưa ra giải pháp tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm việc khai thác bất hợp pháp. Hiện các quốc gia thường phối hợp thông tin với nhau, thông báo cho nhau.
Ví dụ như Australia khi phát hiện có tàu của Việt Nam đi qua thì thông báo cho các nước để tuần tra, xử lý nghiêm. Do đó, việc ngư dân khai thác vùng biển nước ngoài cũng khó mà thực hiện.
Bên cạnh đó, lực lượng biên phòng, công an nắm rất chắc các đối tượng đi khai thác ở các vùng biển. Do đó, trước các phiên tuần tra biển, lực lượng chức năng đến tận nhà ngư dân để quán triệt. Đây cũng được xem là một trong những cách để giám sát, tuyên truyền ngư dân không xâm phạm vùng biển nước ngoài.
Từ những buổi tuyên truyền, vận động này, nhận thức của ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi trong việc chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định cũng đã được nâng lên rõ rệt. Đồng thời, giúp cho các chủ tàu và người đi bạn hiểu được tác hại của việc xâm phạm vùng biển nước ngoài đến công ăn việc làm của mình.
“Khi ngư dân hiểu và chấp hành đúng các quy định của pháp luật khi hành nghề trên biển sẽ góp phần ngăn chặn triệt để vấn đề khai thác thủy sản bất hợp pháp”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi Phùng Đình Toàn chia sẻ.
Vẫn khó kiểm soát nguồn gốc hải sản
Theo quy định của Luật Thủy sản, đến ngày 1/1/2019, tất cả các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên sẽ phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với một số đơn vị tiến hành lắp đặt thí điểm thiết bị giám sát hành trình cho một số tàu cá.
Theo đó, Chi cục Thủy sản tỉnh đã tăng cường tuyên truyền về tính tiện ích, cần thiết của thiết bị giám sát hành trình cho ngư dân nắm để chủ động lắp đặt. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có văn bản quy định loại thiết bị giám sát hành trình nào là hợp quy chuẩn nên các địa phương như Quảng Ngãi chỉ mới lắp thí điểm chứ chưa thể triển khai đại trà trên tất cả các tàu cá.
Quảng Ngãi hiện đã lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình máy Movimar cho tàu 24m trở lên, đồng thời nâng cấp thiết bị VX 1.700.
Trước đây, Quảng Ngãi có khoảng 300 tàu lắp thiết bị Movimar (chiếm tỉ lệ 10% tổng số tàu có chiều dài hơn 15m theo quy định). Tuy nhiên, sau 5 năm đi vào hoạt động, hiện Quảng Ngãi chỉ còn có 2 tàu mang theo trang thiết bị này đi biển.
Riêng thiết bị VX 1.700, theo lộ trình đến ngày 30/6/2018 là đã nâng cấp thiết bị này trở thành thiết bị giám sát hành trình nhưng đến nay tại Quảng Ngãi vẫn chưa có chiếc tàu nào được nâng cấp thiết bị này.
Trong khi đó, theo khuyến cáo của EC thì tàu cá khi rời bến phải mở thiết bị giám sát hành trình 24/24 giờ. Hiện nay, Quảng Ngãi có khoảng 1.500 chiếc tàu có trang bị thiết bị VX 1.700 đang hoạt động.
Ngoài việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên biển, Quảng Ngãi còn quy định việc ghi nhật ký khai thác và bán cá khai thác. Tuy nhiên, gần như 100% thuyền trưởng vẫn chưa thực hiện yêu cầu này.
Giải thích vấn đề này, ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho rằng, nguyên nhân một phần chủ yếu là do trình độ của người dân, một phần là do ngư dân ở trên biển trong điều kiện thời tiết khó khăn trong việc ghi chép.
Ông Phùng Đình Toàn cũng cho biết, ở Quảng Ngãi nói riêng và Việt Nam nói chung việc khai thác thủy hải sản chỉ mới ở quy mô nhỏ với hệ thống bến, bãi, cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền còn hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu của tàu cá. Riêng ở Quảng Ngãi hiện còn có rất nhiều cảng cá của tư nhân.
Với đặc thù chủ tàu thường phải vay tiền của các chủ đầu nậu để đi đánh cá và khi tàu về phải về các cảng cá tư nhân của chủ vay tiền bán cá nên việc kiểm tra kiểm soát lượng cá, lượng tàu cũng như xác nhận, chứng nhận để phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc rất khó khăn.
Ngoài các cảng cá, khu neo trú tàu thuyền của Quảng Ngãi đã được lập văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá thì ở những bến cá tư nhân hầu như “trắng” lực lượng kiểm soát nghề cá. Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi cho rằng, hiện nay trên địa bản tỉnh Quảng Ngãi ngoài 2 cảng cá và 3 khu neo đậu trú tàu cá do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh quản lý, còn trên 30 bến cá do tư nhân quản lý với số lượng tàu cập bến, bán cá rất lớn nằm ngoài sự kiểm tra, kiểm soát của các Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá. Bên cạnh đó, các chủ tàu cá cũng chưa quan tâm đến việc xác minh nguồn gốc hải sản sau đánh bắt.
“Kiểm soát nguồn gốc hải sản khai thác” là 1 trong 9 khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu đối với Việt Nam nhằm gỡ bỏ “thẻ vàng”. Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã thành lập 2 Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại các cảng cá Tịnh Hòa và Tịnh Kỳ để thực hiện công việc này.