Trong suốt 2 năm qua, tỉnh Bình Thuận đã huy động cả hệ thống chính trị, tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp theo khuyến nghị của EC với quyết tâm chung tay gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.
Hoàn thiện khung pháp lý
Bám sát các nhóm khuyến nghị của EC, Bình Thuận tập trung hoàn thiện khung pháp lý xây dựng hệ thống kiểm soát toàn diện cho việc chống khai thác IUU, tăng cường quản lý tàu cá, triển khai nhiều biện pháp giải quyết tình trạng tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài… Các huyện, thị xã ven biển đều ban hành Kế hoạch hành động chống khai thác IUU trên địa bàn; thành lập Ban chỉ đạo chống khai thác IUU tại các địa phương trọng điểm nghề cá và xây dựng phương án tái cơ cấu, sắp xếp lại nghề cá.
Thị xã La Gi là địa phương có số lượng tàu khai thác lớn của tỉnh với 2.065 tàu cùng gần 11.000 lao động; trong đó có 406 tàu cá đăng ký thường xuyên hoạt động trên các vùng biển xa. Trước đây, thị xã La Gi cũng là địa phương có nhiều tàu cá vi phạm khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Tuy nhiên với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, từ ngày 1/7/2019 đến nay, La Gi không có tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác trái phép vùng biển nước ngoài.
Theo ông Trần Thanh Quế - Phó Chủ tịch UBND thị xã La Gi, để khắc phục cảnh báo “thẻ vàng”, địa phương chú trọng tuyên truyền, giáo dục ngư dân, tổ chức ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài; đồng thời kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu. Đối với chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, ngoài việc bị xử lý nghiêm khắc còn tổ chức kiểm điểm trước cộng đồng dân cư, thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng.
Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá cảng cá La Gi còn tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với tàu cá xuất bến, cập bến tại cảng và kiên quyết không cho xuất bến, cập bến khi chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định; tập trung kiểm tra chặt chẽ 2 nhóm nghề chính là câu khơi và giã cào đôi (lưới kéo) bởi có nguy cơ vi phạm cao.
Từ đầu năm đến nay, Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá phối hợp Ban quản lý Cảng La Gi đã kiểm tra sản lượng lên bến cho 260 lượt tàu cập cảng, thu nhận 260 giấy xác nhận tàu cập cảng, 260 sổ nhật ký khai thác và thực hiện xác nhận 15 lần với hơn 440 tấn hải sản các loại.
Không chỉ ở La Gi mà tại các địa bàn trọng điểm nghề cá như Phú Quý, Phan Thiết, Tuy Phong… các giải pháp chống khai thác IUU cũng được thực hiện nghiêm túc thể hiện qua việc tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá khai thác thủy sản trên biển và tại cảng. Văn phòng Đại diện kiểm soát nghề cá tại các cảng cá làm việc 24/24 giờ.
Trong 10 tháng qua, Văn phòng Đại diện tại các cảng cá trong tỉnh đã kiểm tra cấp phát hơn 3.400 giấy xác nhận hoạt động kiểm tra, kiểm soát tàu xuất bến; thu hồi hơn 3.100 giấy xác nhận hoạt động kiểm tra, kiểm soát tàu về bến và 1.300 sổ nhật ký khai thác. Văn phòng đại diện Kiểm soát Nghề cá – Cảng cá Phan Thiết thực hiện chốt chặn các cửa biển, kiên quyết không cho tàu cá xuất bến khi chưa hoàn tất thủ tục.
Hiện Bình Thuận đang đẩy mạnh phối hợp với các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau… để quản lý chặt chẽ tàu cá hoạt động ngoài tỉnh cũng như tàu cá ngoài tỉnh đến hoạt động trên địa bàn, nhất là nhóm tàu khai thác xa bờ thường xuyên lưu trú, xuất bến ngoài tỉnh nhằm sớm chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Để tăng cường giám sát tàu cá, khai thác thông tin hoạt động tàu cá phục vụ quản lý và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, các địa phương trong tỉnh đã và đang tiếp tục hoàn thiện việc lắp đặt thiết bị hành trình cho tàu cá nhằm quản lý tàu cá, hạn chế tối đa việc tàu cá vi phạm.
Theo Chi cục Thủy sản Bình Thuận, tính đến thời cuối tháng 10, Bình Thuận đã hoàn thành việc thu hồi thiết bị Movimar đối với tàu cá 24 mét và tổ chức lắp đặt xong cho 33 tàu cá có chiều dài lớn hơn 24 mét theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đạt 100% tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình). Qua rà soát, hiện tổng số tàu cá có chiều dài từ 15 mét đến dưới 24 mét thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là 1.819 tàu cá.
Hiện tỉnh đang tiến hành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá ngư dân thuộc đối tượng quy định tại Luật Thủy sản 2017 theo đúng lộ trình với quyết tâm. Chậm nhất đến ngày 1/4/2020, toàn bộ tàu cá đánh bắt xa bờ đều phải được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và chủ tàu phải bật thiết bị 24/24 giờ trong quá trình đánh bắt hải sản.
Hướng đến phát triển bền vững
Bình Thuận có bờ biển dài 192 km, vùng biển rộng 52.000 km2. Nhờ chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản, kinh tế Bình Thuận luôn duy trì tốc độ tăng trưởng với cơ cấu ngành thủy sản tiếp tục chuyển dịch tích cực, đúng định hướng; năng lực khai thác hải sản gia tăng. Toàn tỉnh hiện có 6.873 tàu cá với công suất hơn 1,1 triệu CV; trong đó, tàu cá từ 20 CV trở lên là hơn 5.200 chiếc. Sản lượng khai thác hải sản đạt hơn 200.000 tấn mỗi năm.
Với nỗ lực của các cấp chính quyền, lực lượng chức năng, Bình Thuận bước đầu đã khắc phục được một số điểm tồn tại trong chống khai thác IUU. Tuy nhiên, hiện các hành vi khai thác IUU theo Luật Thủy sản quy định vẫn còn diễn ra như: không ghi nhật ký, báo cáo khai thác, hoạt động sai nghề ghi trong giấy phép, không đăng ký đăng kiểm...
Theo Ban chỉ đạo chống khai thác IUU, chống khai thác IUU được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của địa phương bởi không chỉ góp phần khắc phục “thẻ vàng” của EC mà nhằm phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm. Vì vậy, Bình Thuận tiếp tục gắn việc triển khai các giải pháp chống khai thác IUU với thực hiện Luật Thủy sản 2017.
Việc tuyên truyền được đẩy mạnh, nhất là tại khu vực cửa biển, cảng cá - nơi tập trung sinh sống của ngư dân, chủ tàu cá, dịch vụ thủy sản… Hoạt động tuyên truyền phải đảm bảo sâu, rộng, kỹ đến từng đối tượng và bằng nhiều hình thức, liên tục với các nội dung về quy định xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm như: khai thác bất hợp pháp vùng biển ngoài; không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; các hành vi cấm, ngư cụ cấm, không ghi, không nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác…
Các địa phương nghiêm túc lập và công bố công khai danh sách tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác IUU trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức kiểm điểm chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm vùng biển nước ngoài trước cộng đồng địa phương để răn đe kịp thời.
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với các địa phương khẩn trương hoàn thành Kế hoạch triển khai hệ thống giám sát tàu cá trên địa bàn tỉnh theo lộ trình; đồng thời thiết lập hệ thống quản lý dữ liệu giám sát tàu cá phục vụ hiệu quả chống khai thác IUU.
Trước mắt, hoàn thành lắp đặt hệ thống giám sát đối với số tàu cá có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m hoạt động vùng biển xa bờ có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài (gồm nghề câu, lặn) và thuyền hành nghề giã cào bay. Ban quản lý các cảng cá thực hiện chặt chẽ, đúng quy định việc thu nộp nhật ký và báo cáo khai thác của tàu cá khi nhập bến; giám sát đầy đủ sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, tăng cường vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực thực phẩm và an ninh trật tự trong khu vực cảng...
Về lâu dài, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành thủy sản, trọng tâm là tổ chức, sắp xếp hoạt động nghề cá trên biển, giảm dần số lượng tàu cá thuộc nhóm có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài; phát triển khai thác hải sản hình thức tổ, đội, nhất là đối với tàu cá tham gia khai thác vùng biển xa bờ, không để tình trạng tàu cá đi đánh bắt xa bờ hoạt động đơn lẻ, không đảm bảo an toàn và không được kiểm soát.