Qua đó, góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người trồng chè trên địa bàn huyện Mộc Châu và góp phần thúc đẩy phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.
Trao giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Chè Shan tuyết Mộc Châu cho các đơn vị. Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN |
Ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, Hội trà Mộc Châu năm 2017 sẽ góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất, kinh doanh đối với cây chè và sản phẩm trà. Từ đó, khẳng định thương hiệu chè Mộc Châu, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn bền vững theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Hội trà còn là nơi hội tụ của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhà quản lý, doanh nghiệp, các nghệ nhân để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về cây chè, tác dụng của sản phẩm trà đối với đời sống. Đây sẽ là cơ hội để thương hiệu chè Mộc Châu bứt phá, vươn xa hơn nữa.
Hội trà Mộc Châu năm 2017 có 32 gian hàng trưng bày sản phẩm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh Sơn La và các tỉnh Phú Thọ, Hà Giang, Yên Bái, Lai Châu.
Trong khuôn khổ Hội trà sẽ diễn ra các hoạt động: Trưng bày sản phẩm trà, trình diễn nghệ thuật pha trà; trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch; triển lãm ảnh về cao nguyên Mộc Châu; tham quan các đồi chè đẹp; thi hái chè...
Tại lễ khai mạc, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La đã công bố Quyết định và trao giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Chè Shan tuyết Mộc Châu cho đại diện các đơn vị gồm: Công ty Vinatea Mộc Châu; Công ty Cổ phần Chè Cờ đỏ Mộc Châu và Công ty Cổ phần Chè Chiềng Ve.
Vùng nguyên liệu chè huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La được hình thành từ năm 1959, đến nay đã có trên 1.800 ha, sản lượng hàng năm đạt 23.000 tấn. Sản phẩm chè Mộc Châu được xuất khẩu sang các thị trường như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Pakistan.