Theo Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) Hà Quang Tuyến, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% cả năm thì 6 tháng cuối năm GDP phải tăng 7,4%.
"Lịch sử số liệu trong giai đoạn 2011 - 2016 thì chưa có 6 tháng cuối năm nào đạt được con số tăng trưởng cao như vậy. Điều đó cho thấy mục tiêu này rất khó khăn", ông Tuyến nói.
Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. |
Tuy nhiên, ông Tuyến cũng phân tích các cơ hội và thuận lợi để đạt được mục tiêu này. Nguồn lực của 6 tháng cuối năm còn nhiều dư địa. Trước hết là việc thành lập doanh nghiệp (DN) mới. Năm 2016 có 110.000 DN thành lập mới. 6 tháng đầu năm 2017 đã có 61.000 DN thành lập mới. "Tuy đó là những DN vừa và nhỏ nhưng giọt nước làm tràn ly, nó sẽ có đóng góp vào tăng trưởng", ông Tuyến nói.
Thứ hai là về đầu tư. Dư địa về đầu tư toàn xã hội 6 tháng cuối năm rất lớn. So với kế hoạch đề ra thì còn trên 60%. Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm là 7,54% mà kế hoạch là 18%/năm nên còn tới gần 2/3 cho giai đoạn cuối năm. Công nghiệp chế biến chế tạo cuối năm có nhiều cơ hội phát triển. Dự kiến cả năm tăng trưởng trên 12%. Theo báo cáo của Bộ Công Thương thì một số dự án thép đi vào hoạt động trong 6 tháng cuối năm. Điện tử đã có tăng trưởng từ quý 2, sang quý 3 thì sẽ tăng trưởng đột biến. Samsung có thể xuất khẩu trên 50 tỷ USD. Một số ngành như thuốc lá, dược phẩm, động cơ đã có dư địa tăng.
Sản xuất phân phối điện cuối năm dự kiến tăng 11% do có 5 tổ máy đi vào hoạt động. Du lịch phát triển mạnh, 6 tháng đầu năm khách quốc tế đến Việt Nam tăng hơn 30%. Bên cạnh đó, từ 1/7 tăng lương cơ bản lên 1.300.000 đồng, con số này sẽ được đi vào giá trị tăng thêm, đóng góp vào tăng trưởng ngành dịch vụ.
"Chúng tôi đã có khảo sát các DN. Các DN cho biết 6 tháng cuối năm sẽ phát triển tốt hơn hoặc ổn định hơn. Tất nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Một số mặt hàng giá giảm như thịt lợn giảm ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp, giá dầu thô có xu hướng giảm, nếu tiếp tục giảm sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai nhiệm vụ khai thác trên 1 triệu tấn dầu thô. Giá than thế giới giảm thấp hơn giá than trong nước... Tôi xin rằng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của bộ, ngành, DN thì khả năng vẫn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng", ông Tuyến cho biết.
Liên quan đến việc xuất khẩu thêm 1 triệu tấn dầu thô để góp phần vào mục tiêu tăng trưởng, một số chuyên gia kinh tế tỏ ra băn khoăn. Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), khai thác thêm dầu, than, xuất khẩu khoáng sản tồn kho có thể gây nguy cơ thua lỗ cho DN khi giá của các mặt hàng này trên thế giới có yếu tố bất lợi.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, nếu không xuất khẩu thêm 1 triệu tấn dầu thô thì vẫn có thể đạt mục tiêu tăng trưởng dựa vào 3 trụ cột. Một là, tập trung kích thích tiêu dùng. Năm 2016, tiêu dùng trong nước chiếm 75% tổng tiêu dùng với 3,7 triệu tỷ đồng. Nếu kích cầu để tiêu dùng tăng 1% thì kinh tế sẽ có thêm .000 tỷ đồng, gấp 4 lần so với việc xuất khẩu 1 triệu tấn dầu thô khai thác với giá trị là 9.200 tỷ đồng.
Các chuyên gia cho rằng ngành du lịch Việt Nam vẫn còn có thể phát triển mạnh hơn nữa. |
Hai là, ngành dịch vụ nhất là du lịch vẫn còn tiềm năng lớn. Du lịch của Việt Nam hiện khai thác chưa hết, có thể tăng thêm trên 31%. Năm ngoái, ngành du lịch đóng góp 35.000 tỷ đồng, nếu tăng thêm 30% sẽ có thêm 7 - 8 nghìn tỷ đồng cho kinh tế.
Ba là, phải quyết liệt hơn trong cải thiện môi trường kinh doanh. Việt Nam đã có 61.000 DN thành lập trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, để nuôi dưỡng số lượng DN này hoạt động lại là cả vấn đề. Nếu tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ tạo thêm nhiều việc làm, từ đó kích thích tiêu dùng.
Còn Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng,
để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,7%, cần có giải pháp phù hợp thu hút các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo vốn đầu tư cả năm 2017 đạt khoảng 24-25% GDP. Các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, trong đó chú trọng các dự án lớn, quan trọng, các chương trình mục tiêu quốc gia. Đảm bảo sử dụng vốn đầu tư công đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, chống tham nhũng, không để xảy ra nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản.
Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chuyển giao khoa học công nghệ và các quy trình tiên tiến vào sản xuất, bám sát diễn biến thời tiết và thông tin thị trường; kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm. Thúc đẩy đàm phán để xuất khẩu các loại nông sản theo đường chính ngạch, trong đó có thịt lợn.
Duy trì, thúc đẩy tăng trưởng chế biến chế tạo. Có chính sách khuyến khích các ngành sản xuất tiêu dùng trong nước như đường, phân bón, mở rộng thị trường xuất khẩu cho giày dép, dệt may để có mức tăng trưởng tốt hơn. Trong công nghiệp khai khoáng, có giải pháp tăng cường sản lượng dầu mỏ và than đá. Thúc đẩy tiêu dùng trong nước, phát triển hệ thống phân phối bán lẻ trong nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại... Thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm giảm nghèo bền vững và các chính sách an sinh xã hội, ổn định đời sống cho người dân các vùng khó khăn, thiên tai.
Trước đó, theo công bố của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2017, GDP đã tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, GDP quý 1 tăng 5,15%, quý 2 tăng 6,17%.