Sau vài tiếng đánh bắt, thuyền sẽ cập bờ mang theo hàng tạ sứa biển, đem lại thu nhập khá cho ngư dân sau mỗi chuyến ra khơi.
Mùa khai thác, đánh bắt sứa trên biển bắt đầu từ tháng Giêng đến khoảng tháng 4 âm lịch hàng năm. Không như các loại hải sản khác phải đánh bắt xa bờ, sứa chỉ cần đánh ven bờ. Việc đầu tư ngư lưới cụ đánh bắt sứa lại đơn giản, ít tốn kém hơn so với các nghề chài lưới khác, nên vào mùa, các gia đình đều huy động hết nhân lực, phương tiện để khai thác, đánh bắt sứa.
Tầm 9 giờ sáng, tại bãi biển trên địa bàn xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương từng đoàn thuyền nối đuôi nhau cập bờ, mang theo những khoang chở đầy ắp sứa biển. Trên bờ, kẻ bán, người mua ý ới gọi nhau, làm cho không khí trở nên tấp nập, nhộn nhịp hơn bao giờ hết.
Ông Phạm Văn Thanh, xã Quảng Hải (Quảng Xương) chia sẻ, từ đầu năm đến nay, gia đình tập trung đánh bắt moi (ruốc biển) và cá trích, tuy nhiên, năm nay mùa sứa đến sớm, tập trung gần bờ nhiều nên dễ đánh bắt. Do vậy, thuyền của gia đình tập trung nhân lực và chuẩn bị ngư cụ chuyển sang đánh bắt sứa. Giá sứa đầu mùa đang được thu mua từ 10-20 nghìn đồng/con tùy kích cỡ. Mỗi bè ra đi đánh sứa gồm 2 người, mỗi chuyến đánh bắt được từ vài chục con đến cả trăm con nếu gặp đúng đàn sứa. Có ngày cho thu nhập cả triệu đồng…
"Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 kéo dài, các doanh nghiệp xuất khẩu sứa không tìm được thị trường tiêu thụ nên sản lượng và thu nhập của ngư dân cũng giảm đi nhiều. Hy vọng, năm nay dịch bệnh được kiểm soát, thị trường các nước mở cửa trở lại để các doanh nghiệp thu mua chế biến sứa tiếp tục bao tiêu sản phẩm cho ngư dân…", ông Thanh mong muốn.
Phấn khởi vì đánh trúng luồng sứa, nên chỉ 3 giờ đánh bắt, thuyền của ngư dân Đới Ích Khải, thôn 10, xã Quảng Hải đã cập bờ, mang theo hàng tạ sứa biển tươi ngon. Do đã được đặt hàng từ trước, nên toàn bộ số sứa đánh bắt về đã được thương lái tiêu thụ, sơ chế sứa ngay trên biển để chuyển đến những quán ăn hoặc bán sứa tươi cho người dân trong vùng.
"Sau đánh bắt, chế biến sứa là một khâu rất quan trọng, nếu làm không sạch thì chất nhầy trên cơ thể con sứa khiến người ăn bị ngứa và dị ứng. Việc sơ chế sứa được làm theo từng công đoạn tuần tự. Theo đó, sứa sẽ được phân ra 2 loại phần chân và thân sứa tuỳ theo nhu cầu sử dụng. Chân sứa là bộ phận ngon và có giá trị nhất của con sứa, người làm phải biết lựa để cắt sao cho khéo, tránh không bị vụn. Sứa sau khi phân loại sẽ được ngâm với nước lá ổi, hoặc lá xoài để loại bỏ nhớt và mùi tanh. Trong quá trình chế biến sứa tươi không cần dùng bất cứ nguyên liệu nào ngoài nước sạch và muối biển. Chính độ mặn của muối sẽ giữ cho sứa thành phẩm bảo quản được lâu từ 1-2 năm….", ông Khải cho biết thêm.
Thoăn thoắt sơ chế sứa ngay tại bờ biển, chị Lê Thị Tuyến (xã Quảng Đại, thành phố Sầm Sơn) thương lái chuyên thu mua sứa tại Quảng Hải cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên vài năm trở lại đây hầu như sứa biển không xuất khẩu được, chỉ bán được cho thị trường trong tỉnh và các thành phố lớn. Vào mùa này, con sứa tươi đang ở độ giòn, ngon nhất nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Anh Phạm Văn Hoan (xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương), chủ cơ sở thu mua, chế biến sứa biển trên địa bàn cho biết, mấy năm nay, thị trường xuất khẩu sứa sang Trung Quốc đóng cửa nên hiện tại cơ sở của anh chỉ thu mua với số lượng ít, sơ chế và bán ở thị trường trong nước. Sứa tại Thanh Hóa rất được người dân và khách hàng ưa chuộng vì giòn, thơm ngon hơn so với sứa ở các vùng khác.
Vì vậy, tuy thị trường nước ngoài không xuất được vì dịch COVID-19 nhưng thì trường nội địa vẫn ổn định. Đầu năm nay, khi mọi hoạt động đang dần chuyển sang trạng thái bình thường mới, cơ sở cũng đang chủ động đấu mối lại với các thị trường xuất khẩu quen thuộc, tìm thêm thị trường mới để dần đưa con sứa trở lại thị trường xuất khẩu…
Ông Nguyễn Văn Dạn, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương cho biết, toàn xã có 115 bè mảng công suất từ 24CV đến 30CV đang hoạt động, chủ yếu khai thác cá trích, moi, sứa biển; thu hút khoảng 365 lao động trực tiếp đánh bắt và hàng nghìn lao động phục vụ hậu cần nghề cá. Vào đầu năm, ngư dân thường thu hoạch cá trích, moi sau đó đến mùa thu hoạch sứa. Hiện tại mới là đầu mùa sứa, nhưng cũng cho ngư dân thu nhập khá.
Cùng với việc động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi, bám biển, để khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản này, chính quyền địa phương cũng thường xuyên phối hợp với ngành Thủy sản Thanh Hóa khuyến cáo ngư dân và các cơ sở chế biến giữ gìn vệ sinh môi trường trong đánh bắt, thu hoạch, chế biến sứa, tránh gây ô nhiễm môi trường…