Hiện nay, phần lớn các điểm tập kết cát dọc sông Tiền và sông Hậu thuộc địa bàn tỉnh An Giang đều trong tình trạng “cháy hàng”. Tại các mỏ khai thác cát sông, sà lan đậu nối đuôi dài hàng cây số chờ lấy cát.
Muốn mua cát phải “chung chi”
Từ thành phố Long Xuyên, dọc theo Quốc lộ 91, đến khu vực thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang hầu hết các bãi tập kết cát của các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng đều trong tình trạng “không còn hàng để bán”. Nhiều công trình, nhà ở của người dân đã được xây bó nền từ lâu nhưng vẫn chưa thể san lấp vì… không có cát để mua.
Khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và nước bạn Campuchia được xem là khu vực có nhiều mỏ cát với trữ lượng khai thác lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Đứng trên bờ, thuộc địa phận xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu trước tầm mắt là một đại công trường khai thác mỏ cát, với hàng chục chiếc xáng cạp (cần cẩu lấy cát sông) đang “hối hả” lấy cát từ dưới lòng sông lên, ngay sát đó là hàng trăm sà lan nối đuôi nhau như “kẻ chợ” chờ đến lượt vào mua cát.
Tìm thuê một chiếc đò ngang chở ra gặp chủ một vài sà lan và xáng cạp ở gần bờ để hỏi chuyện, nhưng sau một hồi dò xét, người phụ nữ khoảng 50 tuổi từ chối chở chúng tôi với lý do “chở người lạ hoặc báo chí ra quay phim, chụp hình, hỏi chuyện là các chủ cần cẩu họ phản ứng gay gắt lắm". Anh Nguyễn Văn T. nhà ở khu vực bờ kè sông Tiền gần đó cho biết: Đoạn sông này xáng cạp lấy cát gồm các mỏ của 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp nhưng An Giang chiếm số đông. Việc khai thác kéo dài từ đây cho tới gần trung tâm thị xã Tân Châu. Sà lan ở khắp các tỉnh đến đây lấy cát, nhỏ nhất cũng 300 – 400 m3, còn lớn thì cả nghìn m3.
“Thời điểm này, sà lan muốn lấy cát, nhanh cũng phải đợi từ 4 -5 ngày, lâu thì cả tuần hoặc hơn. Để được “xếp tài” (đến lượt) mua cát, các chủ sà lan phải chung chi cho “cò”. Ai mà không thực hiện thì phải chờ lâu, bởi số lượng sà lan đến lấy cát ngày càng nhiều hơn”, anh T. chia sẻ.
Đi xuôi về phía hạ nguồn khoảng vài trăm mét, chúng tôi may mắn gặp một người dân chuyên làm nghề lái đò dọc đưa đón tài công, chủ sà lan từ dưới sông lên bờ mua thức ăn và ngược lại. Sau một hồi thuyết phục người này đồng ý chở ra gặp những chủ sà lan “mối” đang đợi lấy cát.
Được giới thiệu, chủ sà lan tên Nam (trú tại tỉnh Bến Tre) trải lòng: “Ở mỏ cát này, sà lan nào muốn lấy cát phải tốn từ 1-3 triệu đồng chi cho “cò” để có hàng trước một tuần lễ, nếu không có khi nằm chờ cả tháng. Việc tăng giá, chủ mỏ cát cũng không hề báo trước, khi vào lấy cát họ mới thông báo”. Tương tự, tài công H. trú tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cho biết, dù đã chi 2 triệu đồng cho “cò” nhưng sà lan 800 tấn của ông vẫn phải đợi 5 ngày và hiện chưa biết lúc nào được vào lấy cát. Hiện, giá cát lấy tại mỏ là 95.000 đồng/m3, đến lúc lấy được có thể giá lại tăng lên nữa.
Theo chủ các sà lan, tình trạng chủ cần cẩu khai thác cát tại các mỏ tăng giá bán và việc các sà lan chung chi cho “cò” không chỉ diễn ra ở các mỏ cát trên sông Tiền mà còn diễn ra ở sông Hậu. Anh D. - chủ sà lan 400 tấn, trú tại tỉnh Đồng Tháp đang lấy cát tại mỏ trên sông Hậu (đoạn Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên) cho biết, hầu như ngày nào cát cũng tăng giá. Tình trạng chung chi diễn ra từ lâu và mức giá cũng tăng theo giá cát. Hiện 4 ngày mới đi được 1 chuyến thay vì 2 ngày như trước đây. “Mỏ cát giờ toàn là công ty, doanh nghiệp lớn và các đơn vị này ở thế độc quyền nên không cần bán. Không biết cơ quan nhà nước có quản lý giá cát bán ra hay không, mà giá tăng đến “chóng mặt", anh D. thở dài.
Không những vậy, các chủ sà lan còn phản ánh, đang có hiện tượng các chủ xáng cạp, chủ mỏ cát bán cát cho các sà lan với giá cao nhưng ghi hóa đơn giá thấp nhằm mục đích trốn thuế…
Giá cát liên tục “nhảy múa”
Hiện giá cát xây dựng và cát san lấp mặt bằng đang tăng từng ngày khiến nhiều công ty, đơn vị trúng thầu đang thi công công trình, dự án ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đứng ngồi không yên. Họ cho rằng, các chủ mỏ cát có dấu hiệu bắt tay nhau để tăng giá.
Bà N. - chủ doanh doanh nghiệp chuyên thi công công trình đường giao thông và đê kè ở tỉnh Kiên Giang cho biết, giá cát tại mỏ từ 55.000 đồng/m3, hiện tăng lên 100.000 đồng/m3. Doanh nghiệp của bà đang thi công 3 công trình, mỗi công trình cần vài trăm nghìn m3 cát, tính ra 1.000m3 phải bù lỗ từ 40 – 50 triệu đồng. Do đó, nhiều doanh nghiệp không dám nhận công trình vì không biết giá cát tăng cao đến mức nào.
Cùng cảnh ngộ, ông T. - Giám đốc một doanh nghiệp chuyên xây dựng ở tỉnh An Giang cho biết, cả tháng nay lượng cát khan hiếm khiến việc thi công các công trình trọng điểm của đơn vị gặp nhiều khó khăn. Có lúc phải mất gần 2 tuần mới mua được sà lan cát 500m3. Giá cát cũng tăng lên từng ngày. Nếu tình trạng giá cát tăng và khan hiếm như hiện nay kéo dài thì các dự án đang triển khai sẽ chậm tiến độ, thua lỗ là điều khó tránh khỏi.
Liên quan đến vấn đề giá bán cát tại các mỏ hiện nay, ông Huỳnh Văn Thái, Trưởng phòng Khoáng sản, nước và Biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang) cho rằng thời gian qua các tỉnh trong khu vực đang quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác, vận chuyển cũng như sản lượng khai thác cát sông nên “hàng trôi nổi”, cát lậu không còn “đất sống”, điều này khiến cho giá cát ở mức cao. Hơn nữa, hiện không có quy định nào về mức giá cát bán ra, mà chủ yếu do các doanh nghiệp tự định đoạt.
Trước tình trạng cát sông khan hiếm, nhiều doanh nghiệp đã quyết định chi số tiền lớn cao gấp hàng trăm lần để mua quyền khai thác mỏ. Điển hình là mỏ cát ở sông Tiền (xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) có diện tích 60,3ha, với trữ lượng khoảng 2,4 triệu m3 được Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ T-S.HOME (số 14 đường số 11, khu dân cư Ven Sông, phường Tân Phong, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) đấu giá cấp quyền khai thác trong thời hạn 12 năm với số tiền 2.811 tỷ đồng, tăng 390 lần so với giá khởi điểm 7,2 tỷ đồng.
Mỏ cát trên sông Hậu (thuộc xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú và xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) trữ lượng khoảng 1,5 triệu m3 có giá khởi điểm 4,4 tỷ đồng nhưng được Công ty TNHH Phúc Thành Tân Châu (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) trúng đấu giá với mức giá gần 273 tỷ đồng, cao hơn 62 lần so với giá khởi điểm.
Ông Bùi Văn On, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phúc Thành Tân Châu cho biết, đơn vị đấu giá với mức trên nhằm tạo việc làm cho công nhân. Vì hiện tại công ty có 8 xáng cạp nhưng mấy tháng nay không hoạt động. Nếu không quyết tâm trúng giá để được quyền khai thác mỏ cát trên thì không chỉ công nhân mất việc mà còn ảnh hưởng lớn đến công ty.
Trước thực trạng một số tổ chức được UBND tỉnh cấp phép hoạt động nạo vét thông luồng đường thủy hoặc giấy phép khai thác khoáng sản đã lợi dụng khai thác ngoài phạm vi, không đúng thiết kế, không đúng trữ lượng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, kê khai không đủ sản lượng cát, sỏi thực tế khai thác để trốn thuế, phí môi trường, Công an tỉnh An Giang, Cục Thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang đã ký kết kế hoạch số 91 về phối hợp đấu tranh với hành vi này.
Theo đó, các đơn vị Công an trong tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung lực lượng, phương tiện tổ chức tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn, khu vực trọng điểm như các tuyến sông Tiền và sông Hậu, các địa bàn trọng điểm, giáp ranh tỉnh Đồng Tháp có các hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trái phép.
Báo cáo của Công an tỉnh An Giang cho thấy qua hơn 2 tháng triển khai, các tổ công tác đã phối hợp thực hiện được 136 ca tuần tra kiểm soát công khai; đã kiểm tra, phát hiện và lập biên bản 1.077 trường hợp vi phạm về hành vi chở hàng hóa quá vạch mớn nước an toàn; ra quyết định xử phạt số tiền hơn 2,6 tỷ đồng. Ngoài ra, còn phát hiện 34 phương tiện vận chuyển hàng hóa cát sông vi phạm về hoá đơn, chứng từ, với tổng số lượng cát hơn 7.000m3. Vụ việc đã chuyển cho cơ quan Thuế tiếp nhận để xác minh làm rõ, xử lý theo thẩm quyền.
Hiện trên địa bàn tỉnh An Giang có 9 doanh nghiệp, công ty được UBND tỉnh An Giang cấp quyền khai thác cát sông với tổng diện tích 466,3 ha, trữ lượng hơn 4,6 triệu m3/năm. Ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua đơn vị đã rà soát và yêu cầu các doanh nghiệp được cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản phải lắp thiết bị giám sát hành trình, định vị trên các phương tiện và tất cả những dữ liệu này được kết nối, truyền về trung tâm của Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như Công an tỉnh An Giang để theo dõi, giám sát một cách thường xuyên và chặt chẽ.
“Riêng đối với các xáng cạp nếu kiểm tra phát hiện khai thác sai vị trí, không đúng giờ quy định thì sẽ tiến hành xử phạt hành chính, nếu vẫn cố tình vi phạm thì sẽ đề nghị UBND tỉnh An Giang thu hồi giấy phép khai thác”- ông Trí khẳng định.