Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Ban Quản lý dự án 3 (đại diện chủ đầu tư) cho biết: “Hiện nay, đơn vị đã giao nhiệm vụ cho một lãnh đạo Ban thường trực tại dự án để kiểm tra, chỉ đạo các nhà thầu thi công, kiểm điểm tiến độ theo ngày. Trong đó, tập trung cao phấn đấu hoàn thành thảm mặt đường bê tông nhựa lớp 1 gói thầu số 12 thuộc địa bàn huyện Lục Ngạn (nơi bà con tổ chức tập kết vải) xong trước ngày 15/6. Các gói thầu còn lại, đơn vị yêu cầu các nhà thấu phải hoàn thành thảm bê tông nhựa lớp 1 xong trước ngày 30/6 tới”.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Trường, đơn vị đã yêu cầu tất cả các nhà thầu làm việc 3 ca/ngày, cam kết bảo đảm tiến độ. Tuy nhiên, để hạn chế việc thi công ảnh hưởng đến việc đi lại của bà con trên tuyến, nhà thầu chủ yếu tập trung máy móc thi công vào ban đêm. Ngoài ra, thời tiết vào hè rất nóng bức nên nhà thầu cũng tranh thủ “lấn sáng, lấn tối” để đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, kỹ sư và công nhân lao động trên công trường.
Các nhà thầu thi công tại dự án cho biết, phố Kim (xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn) là nơi diễn ra hoạt động mua bán trao đổi vải thiều lớn nhất. Vì vậy, nhà thầu đã cơ bản hoàn thành thảm bê tông nhựa lớp 1 đoạn tuyến để tạo thuận lợi cho bà con buôn bán vải thiều chính vụ năm nay.
Cụ thể, theo đại diện liên danh gói thầu số 12 (Công ty cổ phần Xây dựng Dịch vụ và Thương mại , Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Ngọc Minh - UDIC, Công ty cổ phần 208 thi công), các đơn vị đang huy động hàng trăm công nhân cùng máy móc, thiết bị để thi công làm 3 ca/ngày để đẩy nhanh tiến độ các hạng mục, đặc biệt là hạng mục thảm bê tông nhựa.
Chị Nguyễn Thị Hương, nhà gần phố Kim, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn cho hay, việc thu hoạch, vận chuyển vải thiều của người dân trên địa bàn diễn ra cao điểm từ giữa tháng 6 đến hết tháng 7. Do vậy, chị rất mong các đơn vị thi công hoàn thành sớm các công trình cầu, mặt đường để tạo điều kiện cho bà con và các xe vận tải lưu thông vận chuyển vải thiều vải đi tiêu thụ thuận lợi.
Cũng theo chị Nguyễn Thị Hương, các nhà thầu cũng cần quan tâm hơn đến vấn đề bụi trong quá trình thi công vì nắng nóng cộng thêm bụi từ đường ảnh hưởng đến đi lại của người dân.
Ông Lê Văn Tấn, lái xe container đông lạnh phục vụ mùa vải (quê Lục Ngạn, Bắc Giang) cho hay: “Tôi phục vụ việc tiêu thụ vải thiều hàng chục năm nay rồi. Nói chung đi lại rất vất vả, đặc biệt là vào chính vụ vải, nhiều đoạn như phố Kim có khi có mấy cây số mà tắc hàng mấy tiếng. Tuy nhiên, hiện mặt đường và các cầu trên Quốc lộ 31 đang được các nhà thầu gấp rút hoàn thành đã giúp cánh lái xe chúng tôi yên tâm phần nào để phục vụ việc vận chuyển vải đi tiêu thụ nhanh nhất cho bà con”.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án 3, để rút ngắn tiến độ hoàn thành dự án trước 3 tháng (30/9/2023), hiện tổng 3 gói thầu xây lắp nhà thầu đã huy động 615 cán bộ, kỹ sư, công nhân chia làm 61 mũi (12 mũi thi công cầu, 7 mũi thi công rãnh, 37 mũi thi công nền, mặt đường, 5 mũi thi công cống ngang). Cùng với đó là huy động 251 thiết bị ( máy đào, 11 máy san, 72 máy lu, 15 máy ủi, 6 dàn dải cấp phối đá dăm, 100 ô tô vận chuyển và 9 xe tưới nước).
Đặc biệt để phục vụ thi công mặt đường, các nhà thầu đã huy động 5 dàn thảm bê tông nhựa; trong đó, gói 10 có 2 dàn; gói 11 có 1 dàn và gói 12 có 2 dàn). Khối lượng hoàn thành đến nay tính đến ngày 11/6, riêng phần thảm bê tông nhựa lớp 1 (C19) đã đạt 18 km (đạt 50%). Về công trình cầu 11 trong tổng 12 cầu cảu dự án đã hoàn thành lắp đặt dầm, đã thi công bản mặt cầu và đang hoàn thiện.
Việc thi công Quốc lộ 31 đang được chủ đầu tư và các nhà thầu tập trung cao song vẫn còn vướng mắc cục bộ trong công tác giải phóng mặt bằng thuộc địa bàn huyện Lục Nam, Lục Ngạn, thành phố Bắc Giang. Tuy tổng chiều dài không lớn, song ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án. Cụ thể tại các địa phương còn một số hộ dân chưa đồng thuận nhận bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Việc di chuyển công trình hạ tầng như: đường điện, cột tín hiệu giao thông… chậm. Điển hình tại huyện Lục Nam còn khoảng 1 km đường tại khu vực xã Chu Điện, thị trấn Phương Sơn liên quan đến hàng chục hộ dân chưa nhất trí bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Huyện Lục Ngạn còn khoảng 50m cũng chưa giải phóng mặt bằng xong do người dân chưa đồng thuận…
Trước thực tế trên, đại diện chủ đầu tư đề nghị các địa phương tập trung để tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu. Trường hợp các hộ dân không chấp hành nghiêm, các địa phương cần tổ chức cưỡng chế theo đúng quy trình đảm bảo tiến độ chung của dự án.
Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, khi hoàn thành Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 31 sẽ góp phần kết nối thuận lợi từ Quốc lộ 1 (từ thành phố Bắc Giang đến cửa khẩu Bản Chắt, Lạng Sơn). Qua đó, giúp kết nối, đánh thức tiềm năng phát triển thành phố Bắc Giang và các huyện Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Bên cạnh đó, dự án sẽ góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, thúc đẩy phát trển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 31, đoạn Km2+400 - Km44 +900 có tổng chiều dài toàn tuyến 39,1 km qua địa bàn thành phố Bắc Giang và các huyện: Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn. Dự án do Cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư. Ban Quản lý Dự án 3 được giao quản lý dự án.
Công trình được làm theo quy mô đường cấp III đồng bằng, nền đường rộng 12 m, mặt rộng 11m. Tổng mức dầu tư của dự án là hơn 863 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Dự án được khởi công 4/8/2022, dự kiến hoàn thành 30/9/2023 thay vì mốc 31/12/2023 (theo hợp đồng).