Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển lập danh sách các tàu cá không tham gia khai thác thủy sản và các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU để theo dõi, quản lý (chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS, không có hoặc hết hạn giấy phép khai thác thủy sản và tàu cá đã xóa đăng ký, tàu đã chuyển nhượng sang tỉnh khác, tàu cá hoạt động trên địa bàn ngoài tỉnh, tàu nhập khẩu chưa chứng minh được nguồn gốc) để theo dõi, quản lý.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục theo dõi, giám sát 24/7 đối với 100% số tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá, thông báo các trường hợp mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển với chủ tàu, thuyền trưởng để kịp thời xử lý.
Từ nay đến cuối tháng 2, tỉnh Khánh Hòa sẽ hoàn thiện thủ tục để ban hành nghị quyết hỗ trợ cước thuê bao duy trì hoạt động giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024 – 2026, nhằm hỗ trợ cho ngư dân trong chống khai thác IUU. Đây vốn là nguyện vọng của nhiều ngư dân lâu nay. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan quy định về chống khai thác IUU, đặc biệt tại các xã, phường trọng điểm ven biển.
Về việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các cơ quan chức năng rà soát các điểm tàu cá cập bến bốc dỡ thủy sản khai thác (bến cá, cảng cá...) tổ chức giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác được bốc dỡ tại địa phương; kiểm soát 100% thông tin liên quan (tàu cá, nguồn gốc sản phẩm thủy sàn khai thác) của tàu cá tỉnh khác cập cảng làm xác nhận nhưng thực hiện chứng nhận tại tỉnh khác; tổ chức thống kê, giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác được bốc dỡ qua các càng cá trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; đảm bảo 100% số tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên phải cập cảng được chỉ định để bốc dỡ thủy sản…
Đối với việc thực thi pháp luật, xử lý vi phạm, tỉnh Khánh Hòa kiên quyết chấm dứt tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Trong tháng 1 này, Khánh Hòa sẽ rà soát hồ sơ, xử phạt dứt điểm các vụ việc đã vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, vi phạm mất kết nối VMS theo quy định từ đầu năm 2023 đến nay, với quan điểm 100% trường hợp vi phạm phải được điều tra, xử lý. Đồng thời trước ngày 30/4 năm nay, Khánh Hòa sẽ mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và xử phạt nghiêm 100% hành vi khai thác IUU theo quy định.
Theo báo cáo gần đây của UBND tỉnh Khánh Hòa, trong năm 2023, địa phương này đã triển khai thành lập lực lượng Kiểm ngư địa phương theo quy định; tăng cường tổ chức thực hiện kiểm soát tàu cá ra, vào cảng và kiểm soát sản lượng lên bến; kiên quyết không giải quyết xuất bến và cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với các tàu cá không đáp ứng các quy định IUU; thường xuyên tuyên truyền đến từng chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân các quy định về hoạt động chống khai thác IUU bằng nhiều hình thức.
Bên cạnh đó, Khánh Hòa tiếp tục vận động, hướng dẫn ngư dân trang bị, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với các tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh đã lắp đặt thiết bị giám sát cho 658/660 tàu cá.
Cũng theo báo cáo trên, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết trong năm 2023, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh đạt gần 119.000 tấn, tăng 1,7% so với năm 2022, trong đó thủy sản khai thác trong tự nhiên đạt hơn 101.000 tấn, chủ yếu là các loại hải sản.