Khảo sát về tích tụ đất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam

Đến nay, toàn tỉnh Hà Nam đã tích tụ được gần 300 ha của khu vực trục lõi bàn giao để các doanh nghiệp tiến hành đầu tư, sản xuất nông nghiệp.

Ngày 20/4, Đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương do GS.TS Nguyễn Thị Doan, Nguyên Phó Chủ tịch nước - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Nam về nghiên cứu, khảo sát thực tế tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất lớn tại địa phương.


Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, chủ trương tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao được tỉnh Hà Nam triển khai từ năm 2013. Đây được xác định là một trong ba giải pháp đột phá để xây dựng tỉnh Hà Nam phát triển nhanh và bền vững.


Trên cơ sở kết quả bước đầu từ các dự án, mô hình điểm, tỉnh Hà Nam chỉ đạo xây dựng Đề án tích tụ ruộng đất; chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương phối hợp quy hoạch chi tiết 4 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích gần 500 ha tại các huyện Lý Nhân, Bình Lục và thành phố Phủ Lý.


Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam , những vùng được quy hoạch trục lõi để phát triển công nghệ cao sẽ được tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, thủy lợi, điện… Doanh nghiệp nhận đất (do chính quyền bàn giao, ký hợp đồng thuê đất) lập phương án đầu tư sản xuất nông nghiệp với công nghệ cao tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao, bền vững.


Các hộ nông dân cho doanh nghiệp thuê lại quyền sử dụng đất trong thời gian 10 – 20 năm sẽ được doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng vào làm việc trong doanh nghiệp.


Đến nay, toàn tỉnh tích tụ được gần 300 ha của khu vực trục lõi bàn giao cho các doanh nghiệp. Hiện các doanh nghiệp tiến hành đầu tư, sản xuất nông nghiệp.


Cụ thể, Tập đoàn Vingroup tiến hành đầu tư tại xã Xuân Khê, Nhân Bình với diện tích ban đầu trên 180 ha. Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam đầu tư tại xã Nhân Khang với diện tích 23,4 ha.


Trong quá trình tích tụ ruộng đất, địa phương có nhiều thuận lợi như là tỉnh nông nghiệp có quỹ đất tập trung ở huyện Lý Nhân và Bình Lục. Thị trường tiêu thụ nông sản lớn là thành phố Hà Nội.


Tỉnh cũng có mô hình do người dân, tổ hợp tác, doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản sạch phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Địa phương đưa ra chủ trương, chính sách mới khuyến khích phát triển nông sản hàng hóa theo chuỗi, tạo giá trị gia tăng cao.


Tuy nhiên, tỉnh Hà Nam hiện còn tồn tại nhiều khó khăn, đó là những vùng đất có quy mô đủ lớn (từ vài trăm ha trở lên) để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao không nhiều, không tập trung. Tư tưởng sản xuất tự cấp, tự túc lương thực, thực phẩm theo truyền thống, chưa thay đổi của đa số người nông dân.


Ngoài ra, doanh nghiệp lớn, đủ tiềm lực để đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đầu tư vào nông nghiệp trong tỉnh còn thiếu…


Trả lời những câu hỏi của các thành viên trong đoàn công tác, ông Trương Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam khẳng định, tỉnh Hà Nam xác định tập trung, tích tụ đất đai để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất lớn thành những vùng được quy hoạch trục lõi.


Địa phương xây dựng mô hình sản xuất nông sản sạch làm vệ tinh, liên kết với các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn với mục tiêu mỗi xã có từ 10ha trở lên sản xuất nông nghiệp sạch. Tỉnh Hà Nam sẽ nghiên cứu kỹ các vấn đề có thể phát sinh khi thực hiện tập trung, tích tụ đất đai để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất lớn.


Thay mặt đoàn công tác, GS.TS Nguyễn Thị Doan đánh giá, địa phương đã tận dụng tốt lợi thế sẵn có, nhận thức đúng về vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế. Đặc biệt, với quyết tâm chính trị cao, thông suốt từ tỉnh đến cấp xã nên đã đạt được kết quả ban đầu khá tốt về tập trung, tích tụ đất đai phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất lớn.


Qua nghiên cứu, khảo sát thực tế tại địa phương, đoàn công tác nhận thấy còn một số vấn đề cần phải nghiên cứu, làm rõ để có được kết quả tốt hơn trong thời gian tới.


Trước đó, Đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương đã về khảo sát dự án của Công ty Vienco tại xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân và Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam tại xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân để tìm hiểu mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, kinh nghiệm của doanh nghiệp trong thuê đất và hợp đồng với nông dân để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.


Thanh Tuấn (TTXVN)
Bình Thuận hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao
Bình Thuận hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao

Thời gian qua, Bình Thuận đã tập trung phát triển nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành theo hướng bền vững. Đặc biệt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Bình Thuận xác định là yếu tố then chốt nhằm tạo bước đột phá trong quá trình hội nhập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN