Người nông dân phải chịu sức ép do giá vật tư đầu vào như: phân bón, thuốc trừ sâu, lúa giống... ngày càng tăng cao. Nhưng khi bán lúa phải chịu thương lái ép giá rẻ mạt.
Quá nhiều tầng nấc
Ông Huỳnh Văn Vô, 53 tuổi, nông dân ấp Thới Quang, thị trấn Thới Lai, Cần Thơ thu hoạch được gần 3 tấn lúa IR50404 nhưng không dám bán lúa tươi lúc thu hoạch để còn mong được thương lái trả giá cao hơn.
Ông Tám Nhớ cho xem phần tính lãi ở cửa hàng vật tư nông nghiệp. |
Ông Vô cho biết: “Thời điểm thu hoạch, thương lái thu mua lúa IR50404 với giá 3.500 đồng/kg. Sau đó, giá lúa nhích lên 3.600 đồng và bây giờ là 3.700 đồng/kg. Thu hoạch nhiều mà không có chỗ phơi, phải bán luôn lúa tươi thì giá thấp hơn. Còn nếu có chỗ phơi khô thì chờ giá lên cao mới bán”.
Giá lúa khô IR50404 hiện tại thương lái vào mua là 4.100 đồng/kg. Ông Vô tính toán, một công ruộng vụ hè thu vừa rồi của ông đạt năng suất tới 900 kg lúa tươi, nếu bán cho thương lái vào đầu tháng 6 là 3.600 đồng thì ông chỉ thu được hơn 3,2 triệu đồng. Nhưng nếu ông đem phơi 900 kg lúa tươi thì ông còn khoảng 850 kg lúa khô sẽ bán được với giá 4.100 đồng/kg. Như vậy số tiền thu được trên một công lúa được hơn 3,4 triệu đồng. “Tôi muốn bán lúa với giá 4.200 đồng/kg nhưng thương lái vào mua nói giá gạo xuống nên chỉ mua được vậy. Tôi cũng không biết thương lái mua lúa của chúng tôi rồi bán lại cho kho (doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo - PV) thì giá được bao nhiêu nữa. Tôi chỉ biết là cứ lần nào vào mùa thu hoạch là giá lúa lại rớt”, ông Vô nói.
Bà Bùi Thị The, một thương lái chuyên thu mua lúa gạo vùng Cần Thơ cho biết: “Giá thu mua lúa từ nông dân sẽ phụ thuộc vào giá mua của doanh nghiệp. Đơn cử như lúa IR50404 được xay xát thành gạo nguyên liệu có giá hiện tại thu vào là 6.100 đồng/kg. Thương lái căn cứ vào giá đó để tính giá mua của nông dân”.
Bà The cho biết thêm, thương lái vào mua lúa sẽ phải qua khâu “cò lúa” với chi phí 20.000 đồng/tấn lúa, tiền công bốc vác và vận chuyển của ghe lúa là 35.000 đồng/tấn, tiền sấy lúa có chi phí 130.000 đồng/tấn, tiền xay xát thành gạo có giá 230.000 đồng/tấn. Cũng tương tự tại Đồng Tháp, giá lúa tươi OM4218, theo thương lái Huỳnh Thị Lắm, mua từ nông dân với giá từ 4.000 đồng/kg lúa và thêm những chi phí cho “cò lúa”, sấy, xay xát, thương lái bán cho doanh nghiệp với giá 6.500 đồng/kg.
Mặt khác, 1 giạ lúa tươi (20 kg lúa), qua sấy, xay xát, thương lái sẽ có được trung bình 16 kg gạo nguyên liệu. Như vậy, chỉ làm phép tính đơn giản, thương lái sẽ lời 765 đồng/kg lúa IR50404, 785 đồng/kg lúa OM4218. Theo đó, thương lái thu được tiền lãi không hề nhỏ trong mỗi mùa vụ với chi phí đầu tư và rủi ro không cao. Tuy nhiên, những người sản xuất trực tiếp lúa gạo là nông dân lại hưởng lợi rất thấp vì diện tích canh tác nhỏ, sản lượng ít và chịu nhiều chi phí, rủi ro cao từ giá cả vật tư đầu vào, thiên tai, dịch bệnh.
Sản xuất theo kiểu “tiền cũ đổi tiền mới”
Tại Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, chúng tôi nhận thấy hầu hết nông dân ĐBSCL luôn phải bắt đầu mùa vụ mới bằng cách “mua chịu” vật tư như: phân, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với mức lãi suất từ 10 - 20%, thậm chí lên đến 30%. Lão nông Tám Nhớ, ấp Thới Quang, thị trấn Thới Lai, thành phố Cần Thơ đưa cho chúng tôi xem quyển sổ ghi chép “mua chịu” phân, thuốc của ông tại một cửa hàng vật tư nông nghiệp Nguyễn Vân. Ông Tám Nhớ cho biết: “Cứ đầu vụ là tôi mua chịu phân, thuốc BVTV. Mình cứ mua chịu cho đến khi thu hoạch thì lấy tiền bán lúa trả lại cho đại lý. Nếu vụ đó mình không đủ tiền trả thì đại lý cho nợ nhưng sẽ tính thêm lãi”.
Ông Nguyễn Văn Đen, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thới Lai bức xúc nói: “Chi phí sản xuất ngày càng tăng, trong khi giá lúa nông dân bán ra luôn bị o ép nên mức lợi nhuận không bao nhiêu. Số tiền lãi không đủ chi phí sinh hoạt gia đình nên họ buộc phải mua chịu phân bón, thuốc trừ sâu. Hầu như 10 hộ nông dân ở vùng này thì có 8 hộ phải phải mua chịu phân, thuốc và phải “cắm” sổ đất ở ngân hàng để lấy tiền tái sản xuất, bù đắp chi phí sinh hoạt gia đình. Thậm chí có hộ còn phải vay nóng bên ngoài với lãi suất cao. Cái vòng lẩn quẩn này cứ bủa vây nhà nông từ nhiều năm qua. Khi đến vụ thu hoạch, nông dân phải bán lúa tươi tại ruộng để có tiền trả nợ. Nếu mất mùa thì nông dân lại càng khốn khổ hơn”.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác buộc nhà nông phải bán lúa tươi tại ruộng sau thu hoạch vì nhà nông hoàn toàn không có khả năng lưu trữ lúa gạo. GS - TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho biết: “Nông dân ĐBSCL không có khả năng dự trữ lúa gạo. Hơn nữa, lúa lưu trữ tại nhà nông dân 3 tháng thôi thì lúa sẽ không đạt chuẩn quốc gia, chứ đừng nói gì chuẩn quốc tế”.
Bài và ảnh: Anh Đức
Bài 3: Nhà nông ngày càng khó khăn