Khoán xe công bắt buộc sẽ tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng

Để triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (TSC) có hiệu lực từ 1/1/2018, Bộ Tài chính đã xây dựng Dự thảo nghị định của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, trong đó đã đưa ra hình thức khoán bắt buộc.

Dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô đang được Bộ Tài chính gửi xin ý kiến các bộ, ngành, tập đoàn kinh tế và địa phương. “Bộ Tài chính sẽ tổng hợp các ý kiến tham gia góp ý để hoàn thiện các văn bản trước khi trình Chính phủ ban hành vào tháng 9 và tháng 10 tới đây, đảm bảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công phát huy đầy đủ ý nghĩa khi được áp dụng”, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Trần Đức Thắng nói

Theo bà Tạ Thanh Tú, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), ngoài việc tiếp tục điều chỉnh định mức sử dụng xe theo định hướng đến năm 2020 giảm khoảng từ 30- 50% số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung của các bộ, ngành, địa phương thì Dự thảo lần này quy định việc thực hiện quản lý đầu xe theo phương thức tập trung, giao cho một đơn vị quản lý để bố trí sử dụng đúng tiêu chuẩn, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

“Việc bố trí xe ô tô phục vụ công tác được áp dụng theo 1 trong 3 hình thức: Trang bị xe ô tô, khoán kinh phí sử dụng xe ô tô, thuê dịch vụ xe ô tô. Quan điểm khoán xe công là quy định chặt chẽ hơn trong quản lý, sử dụng xe ô tô trên cơ sở không gây ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, đặc biệt là xe ô tô chuyên dùng để tránh bị lợi dụng. Sẽ quy định chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô bắt buộc đối với một số chức danh và cách xác định mức khoán phù hợp với thực tế của từng bộ, ngành, địa phương. Có giải pháp xử lý xe ô tô dôi dư và sắp xếp đội ngũ lái xe dôi dư khi cắt giảm xe công”, bà Tú nói.

Chủ trương khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công đã có từ năm 2007 nhưng áp dụng theo cơ chế tự nguyện nên việc thực hiện còn hạn chế. Theo Bộ Tài chính, từ tháng 10/2016, Bộ Tài chính là đơn vị tiên phong đi đầu thực hiện thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe cho một số chức danh; tiếp đến là Bộ Ngoại giao, thành phố Hà Nội... lần lượt thực hiện thí điểm. Kết quả bước đầu cho thấy, cơ chế này đã góp phần tiết kiệm chi ngân sách và được dư luận, nhân dân đồng tình.

Từ thực tiễn này, cùng với việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe công nhằm giảm bớt đầu xe và để phù hợp với thực tiễn quản lý, sử dụng xe và điều kiện hạ tầng giao thông của từng địa phương, dự thảo nghị định quy định các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên sẽ thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe bắt buộc, đối với công đoạn từ nhà đến nơi làm việc và ngược lại. Đối với công đoạn đi công tác, các chức danh này được chọn một trong các phương án: bố trí xe phục vụ công tác chung hoặc nhận khoán kinh phí sử dụng xe, thuê xe dịch vụ.

Bên cạnh những nội dung đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng xe ô tô, tại dự thảo đưa ra 2 phương án xác định mức khoán là khoán gọn kinh phí sử dụng xe ô tô và thanh toán theo thực tế. Đây chính là sự linh hoạt trong cơ chế, chính sách giúp cho các đơn vị sử dụng xe công căn cứ vào tình hình thực tế tại đơn vị mình để chọn phương án áp dụng phù hợp.

Đề cập tới vấn đề này, TS Vũ Đình Ánh cho rằng: Việc khoán kinh phí sử dụng xe công cần được triển khai theo hình thức bắt buộc, rộng khắp, đồng bộ và công bằng đi đôi với chế tài xử phạt nghiêm khắc. Theo đó, ngân sách Nhà nước chắc chắn sẽ tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm từ tiết kiệm kinh phí mua sắm, quản lý, vận hành, bảo dưỡng hàng vạn chiếc xe công. Đặc biệt, khoán kinh phí sử dụng xe công còn hữu hiệu trong việc ngăn chặn lạm dụng quản lý và sử dụng tài sản công, nâng cao tính công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình và công bằng trong quản lý sử dụng tài sản công; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát quản lý. Hơn nữa, một phần dịch vụ công do ngân sách Nhà nước đảm nhiệm sẽ chuyển cho thị trường, cho xã hội thực hiện thông qua cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe công cũng là tín hiệu tốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong những năm tới.

“Việc đưa ra 2 phương thức khoán  xe công là hợp lý và thực tế, đảm bảo tính khả thi và tính chủ động cho cơ sở khi lựa chọn phương thức khoán phù hợp với đặc điểm của mình. Mỗi phương thức có những ưu nhược điểm nhất định, chẳng hạn khoán gọn thì đơn giản và dễ triển khai thực hiện được ngay với điều kiện xác định đúng mức khoán, đảm bảo có cơ sở vững chắc, công bằng và có phương án điều chỉnh mức khoán sát hơn với thực tế luôn biến động, tránh bệnh hình thức, quan liêu”, TS Ánh nói.

Theo Bộ Tài chính, Dự thảo nghị định quy định: Căn cứ tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe, các bộ, ngành, tập đoàn kinh tế, UBND cấp tỉnh xác định số lượng xe được trang bị, số lượng xe dôi dư chậm nhất sau 6 tháng và hoàn thành việc xử lý xe dôi dư theo quy định chậm nhất 12 tháng kể từ ngày nghị định có hiệu lực.

Về số xe dôi dư sẽ điều chuyển cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn thiếu xe so với tiêu chuẩn, định mức hoặc thay thế xe cũ; hoặc bán đấu giá theo quy định.

Ông Nguyễn Hữu Quang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội cho biết: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công là một luật khó, không chỉ vì các quy định phải điều chỉnh một khối lượng tài sản lớn, có giá trị khổng lồ mà đối tượng áp dụng của Luật còn rất rộng, từ các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị xã hội đến đơn vị sự nghiệp. Để việc triển khai Luật thực sự đáp ứng kỳ vọng mong muốn của cử tri và nhân dân cả nước, việc ban hành các văn bản dưới Luật, các Thông tư hướng dẫn cụ thể, chính xác là hết sức quan trọng. Điều này rất cần sự góp công, góp sức và đóng góp trí tuệ của các bộ, ngành để nâng cao tính khả thi của các văn bản sau khi ban hành.



M.Phương-V.A
Đại biểu Quốc hội đề nghị giám sát sử dụng xe công
Đại biểu Quốc hội đề nghị giám sát sử dụng xe công

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, các đại biểu đề nghị cần quy định rõ hành vi sử dụng xe công sai mục đích, cũng như có sự giám sát chặt chẽ hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN