Khoảng trống lớn trong kiểm soát ô nhiễm không khí

Theo nhận định của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, kiểm soát ô nhiễm không khí ở Việt Nam đang trở nên rất bức thiết, bởi các thành phố ở đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là Hà Nội, nồng độ bụi mịn lên tới 90 - 105 microgam ở mức nguy hiểm.

Bỏ ngỏ kiểm soát ô nhiễm không khí

Đồng thuận với đánh giá của WB, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, ô nhiễm không khí, môi trường đang trở thành nguy cơ đối với phát triển bền vững của Việt Nam. Nguyên nhân ô nhiễm không khí có nhiều, nhưng chủ yếu do các nhà máy năng lượng như nhiệt điện, giao thông, sản xuất xi măng, thép và sản xuất của làng nghề...

Ô nhiễm môi trường ở Hà Nội từ các nguồn thải xe máy, ô tô lưu lượng lớn và quá trình đô thị hóa... đã ở mức nguy hiểm.

Một trong những tỉnh có mức độ ô nhiễm nặng là Bắc Ninh. Theo Sở Tài nguyên và môi trường (TN&MT) tỉnh này, tại các đô thị, đường giao thông có nồng độ bụi cao hơn Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) 1,3 lần. Với gần 100 làng nghề, chủ yếu tái chế nguyên liệu là chất thải để sản xuất sản phẩm mới, gây ô nhiễm lớn nhất là tái chế kim loại. Quá trình chế biến, tái chế và gia công phế thải đã phát sinh các khí độc như a xít, kiềm, oxit kim loại.., điển hình là tại các làng nghề giấy Phong Khê, thép Châu Khê, gỗ Đồng Kỵ, đúc đồng Đại Bái... Nồng độ bụi mịn tại các cụm công nghiệp làng nghề cao hơn 1,5 lần QCVN. Bên cạnh các làng nghề giấy và thép, các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ phát sinh, các làng nghề thủ công mỹ nghệ cũng phát thải các chất SO2, NOs2, NH3... gây ô nhiễm trầm trọng.

Tại Hà Nội, hệ thống quan trắc chỉ số AQI (chỉ số dùng để đánh giá chất lượng không khí và khả năng tác động sức khỏe) đo vào tháng 3/2016, lên tới 8. Theo thang đánh giá, nếu chỉ số AQI từ 101 - 200 là chất lượng không khí kém, không tốt cho sức khỏe đối với các nhóm nhạy cảm như bệnh nhân về hô hấp, tim mạch. Riêng nồng độ bụi mịn (PM2,5) cao gấp hơn 3 lần mức khuyến cáo theo Quy chuẩn quốc gia về chất lượng không khí xung quanh và gấp 7 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Ông Mai Thanh Dung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thừa nhận, trong quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa phát triển kinh tế, việc kiểm soát ô nhiễm môi trường mới chỉ chú ý đến kiểm soát chất thải rắn, nước thải mà chưa quan tâm đến kiểm soát ô nhiễm không khí, do đó đang có khoảng trống lớn đối với vấn đề kiểm soát ô nhiễm không khí ở Việt Nam.

Kiểm kê khí thải ô nhiễm quy mô lớn

Để triển khai kế hoạch hành động, tăng cường quản lý chất lượng không khí, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ ban hành Quyết định 985a/QĐ - TTg, ngày 1/6/2016 về việc phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí. Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, với tiêu chí tập trung, trọng tâm, trọng điểm, nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2017, hệ thống quan trắc của ngành phải kiểm kê được khí thải của các ngành sản xuất là các nhà máy nhiệt điện, xi măng, sắt thép, phân bón, hóa chất... là những nguồn xả thải gây ô nhiễm quy mô lớn. Đồng thời phải kiểm kê được khí thải ở Hà Nội, nơi có tỉ lệ xe máy, ô tô nhiều, dân cư đông đúc.

Về lâu dài, ngành TN&MT đã đặt mục tiêu từ nay đến 2020, tầm nhìn đến 2025 sẽ kiểm soát tốt các nguồn khí thải, tập trung vào khí thải công nghiệp, năng lượng lớn và giao thông. Đảm bảo 80 - 90% các cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học xử lý bụi và khí thải nguy hại như SO2, NOx, CO... đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Các cơ sở sản xuất nhiệt điện, xi măng, sản xuất thép, hóa chất, phân bón hóa học cơ bản được lắp thiết bị quan trắc khí thải tự động.

Bộ TN&MT phải phối hợp với các bộ, ngành hành động đồng thời, vừa xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, vừa triển khai hệ thống thiết bị, mạng lưới quan trắc, thu thập số liệu, phân tích nguồn, kiểm tra, kiểm soát các nguồn thải... Tăng cường công tác giám sát chất lượng không khí xung quanh việc tăng số lượng trạm quan trắc không khí tự động liên tục tại các đô thị theo đúng quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia.

“Quan điểm của Chính phủ rất rõ, muốn phát triển bền vững thì bảo vệ môi trường là một trong ba trụ cột. Tăng trưởng kinh tế nhưng không hy sinh môi trường, mà phải bảo vệ môi trường. Thế giới đang nỗ lực hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong việc giúp kiểm soát chất lượng không khí. Với sự hỗ trợ của WB và các đối tác nước ngoài, Bộ TN&MT sẽ tìm mọi biện pháp hiệu quả trong giảm thiểu ô nhiễm không khí từ các hoạt động sản xuất, xây dựng, giao thông... gây ra”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định.

“Kiểm soát chất lượng không khí, Việt Nam sẽ gặp những thách thức không nhỏ. Hầu hết dữ liệu, số liệu ô nhiễm không khí xung quanh, bụi mịn ở Việt Nam nói chung, các đô thị lớn nói riêng rất thiếu. Mạng lưới quan trắc thiếu và yếu, số liệu quan trắc không khí chưa đảm bảo chất lượng; chưa có hệ thống kiểm kê, báo cáo mức độ phát thải của các nguồn thải quốc gia”.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, cán bộ môi trường, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam


XH
Phải làm rõ nguyên nhân ô nhiễm không khí tại TP HCM
Phải làm rõ nguyên nhân ô nhiễm không khí tại TP HCM

Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh việc người dân sinh sống tại một số khu vực ở Thành phố Hồ Chí Minh (quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng) liên tục bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối phát tán từ nhiều tháng nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN