Hiện huyện đã khoanh được vùng dịch tả lợn châu Phi và yêu cầu người dân nếu phát hiện lợn mắc bệnh lập tức báo cho ngành chức năng, tuyệt đối không bán tháo lợn.
Theo cơ quan chức năng huyện Trảng Bom, ngay sau khi phát hiện lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi, chính quyền địa phương đã tiến hành tiêu huỷ toàn bộ lợn, tiêu độc khử trùng (ngày 1 lần) tại trại có lợn bị dịch. Việc tiêu độc khử trùng cũng được thực hiện trong phạm vi 3km xung quanh ổ dịch.
Để ngăn chặn dịch, huyện Trảng Bom đã lập nhiều chốt kiểm dịch động vật tạm thời; kiểm soát, ngăn chặn việc đưa lợn từ trong vùng dịch ra bên ngoài và ngược lại. Huyện cũng tạm ngừng hoạt động 3 cơ sở giết mổ trên địa bàn, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn triệt để tình trạng giết mổ trái phép, đồng thời yêu cầu các cơ sở sản xuất giò chả, bán lợn quay tạm ngừng hoạt động.
Vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định hỗ trợ đối với những hộ có lợn tiêu huỷ do dịch tả lợn châu Phi, ngành chức năng sẽ phối hợp cùng người dân giải quyết hồ sơ, thực hiện chi tiền hỗ trợ cho người dân trong vòng 15 ngày (từ khi nhận hồ sơ).
Theo quyết định về cơ chế, chính sách tạm thời nhằm hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi do tỉnh Đồng Nai ban hành, người chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi sẽ được hỗ trợ với 5 mức. Với lợn con theo mẹ được hỗ trợ 300.000 đồng/con; lợn cai sữa đến dưới 2 tháng tuổi là 500.000 đồng/con; lợn thịt từ 2 - 4 tháng tuổi 2 triệu đồng/con; lợn thịt, lợn giống hậu bị trên 4 tháng tuổi 3 triệu đồng/con. Riêng mỗi con lợn nái, lợn đực giống đang khai thác nhận mức hỗ trợ 4,5 triệu đồng/con.
Mức hỗ trợ trên được áp dụng cho tất cả hộ trực tiếp chăn nuôi lợn trên địa bàn Đồng Nai. UBND tỉnh Đồng Nai cũng quy định, chủ vật nuôi được hỗ trợ khi có lợn bị tiêu hủy không nhất thiết phải đáp ứng các điều kiện đăng ký kê khai ban đầu (được UBND cấp xã, phường xác nhận khi bắt đầu nuôi lợn); kể cả khi dịch bệnh xuất hiện nhưng chưa được công bố theo quy định của pháp luật.