Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Bình Thuận cùng với đơn vị đã triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, đáp ứng tiến độ cho việc khởi công và đầu tư dự án.
Phó Thủ tướng đề nghị, các đơn vị tư vấn, nhà thầu tập trung huy động tối đa nhân lực, thiết bị, máy móc, vật tư vật liệu… để dự án được thực hiện đảm bảo an toàn cả trong quá trình thi công lẫn trong quá trình khai thác sử dụng. Đồng thời, đảm bảo an toàn tính mạng con người, môi trường, chất lượng công trình; đảm bảo hiệu quả, chống thất thoát trong đầu tư xây dựng và đảm bảo đúng tuyến độ; sử dụng hiệu quả vốn đầu tư xây dựng để sớm đưa công trình vào khai thác sử dụng.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải cùng UBND tỉnh Bình Thuận tăng cường công tác quản lý, giám sát quá trình đầu tư xây dựng. Tỉnh Bình Thuận cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải để tạo mọi điều kiện cho dự án được thực hiện tốt nhất; tiếp tục giải phóng mặt bằng còn lại, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tái định cư, ổn định cuộc sống sau khi giải phóng mặt bằng.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có tổng chiều dài 160 km. Trong đó đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây có tổng chiều dài 100,8 km, với tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, do Ban quản lý dự án 7 thực hiện.
Điểm đầu của dự án thuộc địa phận xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong (trùng với điểm cuối dự án cao tốc đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo). Điểm cuối dự án thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam (trùng với điểm đầu dự án cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây). Quy mô giai đoạn 1 của dự án gồm 4 làn xe, giai đoạn hoàn chỉnh của dự án gồm 6 làn xe. Dự kiến năm 2022, dự án sẽ hoàn thành.
Dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Dự án kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị các tỉnh Nam Trung Bộ và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, khi được đưa vào khai thác, cùng với các dự án thành phần khác như Phan Thiết - Dầu Giây, Cam Lâm - Vĩnh Hảo… sẽ tạo cho Bình Thuận một trục giao thông đối ngoại hiện đại; giúp tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông đối ngoại trong thời gian qua.
Đồng thời, tạo bước đột phá trong kết nối Bình Thuận với các vùng miền trong cả nước, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ đó, tạo động lực mạnh mẽ để khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hai, đến nay địa phương đã bàn giao cho Ban Quản lý dự án 7 và nhà thầu thi công trên 97% diện tích dự án, đảm bảo đủ điều kiện để triển khai thi công. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ huy động mọi nguồn lực để giải quyết các tồn tại, bàn giao phần diện tích mặt bằng còn lại đúng tiến độ, đảm bảo an ninh, trật tự khu vực dự án đi qua để không làm ảnh hưởng tiến độ dự án.