Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và các đại biểu làm lễ khởi công Nhà máy. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Dự án Nhà máy chế biến quả và đồ uống nước hoa quả công nghệ cao được kỳ vọng là “cú hích” để tỉnh Sơn La khai thác tiềm năng trồng cây ăn quả. Nguồn vốn đầu tư cho dự án 1.200 tỷ đồng sẽ được tiến hành theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ đầu năm 2018 đến cuối năm 2019) đầu tư 300 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến các loại trái cây như: cam, nhãn, xoài, chanh leo, sơn tra với các dòng sản phẩm gồm nước nhãn ép, nước cam cô đặc, nước chanh leo cô đặc; sản phẩm chế biến từ xoài, sơn tra. Giai đoạn 2 có mức đầu tư 900 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm gồm nước cam, nước nhãn, nước chanh leo nguyên chất đóng chai.
Nhà máy chế biến quả và đồ uống nước hoa quả công nghệ cao Sơn La giai đoạn 1 có công suất thiết kế 100 tấn quả/ngày, tương đương 30.000 tấn/năm, được đánh giá là có quy mô hàng đầu Việt Nam hiện nay trong lĩnh vực chế biến quả.
Đặc biệt, đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam chế biến nước ép và nước cô đặc từ cam, nhãn. Công nghệ sử dụng là công nghệ trích ly hiện đại nhất và hoàn toàn tự động do tổng thầu là Công ty Riekermann GMBH của Đức lắp đặt. Thiết bị được sản xuất bởi hãng Bertuzzi của Ý - là nhà sản xuất thiết bị chế biến hoa quả chuyên dụng số 1 thế giới hiện nay.
Dự án này sẽ tạo việc làm cho gần 200 lao động làm việc trực tiếp tại nhà máy và hàng ngàn lao động gián tiếp trên địa bàn tỉnh Sơn La. Tập đoàn TH dự kiến sẽ liên kết với nông dân các vùng trồng hoa quả trọng điểm ở Sơn La như các huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Mai Sơn, Bắc Yên, Phù Yên… để tạo vùng cây ăn quả nguyên liệu.
Tới dự và phát biểu tại lễ khởi công, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, Sơn La với nhiều điều kiện về địa hình, khí hậu khác nhau là lợi thế để đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có nhiều doanh nghiệp liên kết với nông dân trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả và lợi ích cho người dân địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý, để thực hiện tốt dự án và mang lại hiệu quả cao, Tập đoàn TH cùng với lãnh đạo tỉnh Sơn La cũng như các đối tác cần đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc vùng nguyên liệu, gắn bó với đồng bào; đặc biệt quan tâm đến việc quản lý và bảo vệ môi trường. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng mong muốn, Tập đoàn TH tiếp tục quan tâm, mở rộng mô hình trên địa bàn tỉnh Sơn La nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung.
Hiện nay, tỉnh Sơn La có 42.600 ha cây ăn quả, trong đó trên 6.000 ha ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng được 47 chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ trong nông nghiệp. Sơn La cũng đã hình thành được vùng nguyên liệu rau, củ, quả tập trung, an toàn, chất lượng cao trên địa bàn các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Mai Sơn, Phù Yên, Sông Mã... có sản lượng đạt trên 180.000 tấn/năm.
Các sản phẩm xoài, nhãn, chanh leo đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Australia, Mỹ và đáp ứng yêu cầu phát triển các nhà máy chế biến, bảo quản nông sản, gia tăng giá trị của sản phẩm nông sản; đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.