Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực như hoa kiểng, cá cảnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng do không có đầu ra. Hiện nay, khi thành phố đang tích cực phục hồi kinh tế sau dịch, ngành nông nghiệp cũng đẩy mạnh việc cơ cấu lại hình thức sản xuất, tập trung phát triển nhóm các sản phẩm chủ lực theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.
Bài 1: Co cụm vì dịch
TP Hồ Chí Minh xác định nhóm sản phẩm chủ lực gồm: rau và hoa, cây kiểng, bò sữa (con giống, sữa) và lợn (con giống, thịt); tôm nước lợ, cá cảnh là nhóm sản phẩm có tiềm năng. Đây là những sản phẩm có tỷ trọng và giá trị cao; có khả năng mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực ngoại thành. Tuy nhiên, sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 kéo dài nhiều tháng liền trong năm 2021 đã khiến hoạt động sản xuất, tiêu thụ nhiều sản phẩm nông nghiệp của thành phố gặp không ít khó khăn.
Giá trị sản xuất giảm mạnh
TP Hồ Chí Minh có gần 114.000 ha đất nông nghiệp, chiếm hơn 54% tổng diện tích tự nhiên và khoảng 50.000 người lao động đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ năm 2020 về trước, tăng trưởng bình quân của ngành nông nghiệp đạt 5,5%/năm, góp phần thúc đẩy cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên năm 2021, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đã giảm gần 13,7% so với năm 2020 do ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COID-19 và các yếu tố bất lợi về thiên tai, thị trường.
Cụ thể diện tích hoa, cây kiểng giảm 15,2%; trong đó, hoa nền giảm 53,2%. Sản lượng hạt giống các loại giảm 22,3%, xuất khẩu hạt giống giảm tới 73,8%. Về chăn nuôi, sản lượng lợn hơi giảm 22,7%; sản lượng sữa bò tươi giảm 7,5%, sản lượng thịt trâu bò hơi giảm 11,7%. Tổng sản lượng thủy sản cũng giảm hơn 18% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng nuôi trồng giảm 20,8%. Sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cá cảnh đều giảm hơn 10% so với cùng kỳ.
Lý giải về tình trạng trên, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thời điểm thành phố thực hiện giãn cách xã hội nguồn cung giống và vật tư đầu vào phục vụ sản xuất gián đoạn cục bộ từng vùng, địa phương. Người dân và các hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu sản xuất, vận chuyển, lưu thông hàng hóa, thiếu hụt về nguồn lao động do bị cách ly, cạn vốn để tiếp tục duy trì hoạt động…
Thêm vào đó, sản phẩm nông nghiệp sản xuất trên địa bàn thành phố tiêu thụ chủ yếu là các chợ đầu mối, chợ truyền thống, hệ thống siêu thị, bếp ăn tập thể và trường học… Tuy nhiên, do các chợ đầu mối, chợ truyền thống, bếp ăn tập thể, trường học ngưng hoạt động nên sản lượng tiêu thụ tại các kênh phân phối này giảm mạnh, có nơi ngưng tiêu thụ; các phiên chợ nông sản an toàn, hội chợ, triển lãm, hội thảo…, kết nối tiêu thụ sản phẩm cũng ngừng tổ chức nên nông sản, thực phẩm chỗ thừa, chỗ thiếu cục bộ.
Ông Hồ Ngọc Thiện, Trưởng phòng Kinh tế huyện Cần Giờ cho biết thêm, dù là vùng nuôi trồng thủy sản lớn nhất của TP Hồ Chí Minh, thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và giãn cách xã hội, các hộ hầu như không thả giống, hoặc thả giống rất ít. Nguyên nhân là do các chợ đầu mối, chợ truyền thống bị phong tỏa nên thương lái hầu như không thu mua, lượng thủy sản tại địa phương bi tồn đọng khá nhiều, đặc biệt là cá tra, nghêu, hàu, ốc hương. Thêm vào đó, các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi cũng giảm công suất hoặc tạm ngưng hoạt động dẫn đến thiếu hụt lượng thức ăn cho các vùng nuôi.
Tiêu thụ khó khăn
Ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tuấn Ngọc (thành phố Thủ Đức), cho biết, dù sản xuất rau, thực phẩm tiêu dùng hàng ngày của người dân nhưng từ tháng 5/2021 đến 9/2021, sản lượng tiêu thụ, doanh thu tại hợp tác xã giảm đáng kể. Cụ thể, trước giãn cách sản lượng trung bình đạt 25 tấn/tháng giảm xuống còn 11,3 tấn rau/tháng; doanh thu trung bình 550 triệu đồng/tháng giảm xuống còn 250 triệu đồng/tháng. Nguyên nhân là do các siêu thị lớn ngừng nhận rau trong điều kiện di chuyển khó khăn, các cửa hàng trực thuộc hệ thống hợp tác xã lại nằm trên các quận có tình hình dịch phức tạp nên không thể cung ứng rau kịp thời.
Chia sẻ về những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, ông Nguyễn Thiện Nhu, Tổng quản lý trang trại hoa lan Ngọc Đan Vy (gồm 4 trang trại ở huyện Củ Chi và Bình Chánh) thông tin, trước khi dịch bệnh bùng phát hoa lan rất được ưa chuộng, là sản phẩm được sử dụng nhiều trong việc trang trí các sự kiện, hội nghị. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà suốt nhiều tháng dịch COVID-19 bùng phát mạnh hầu như các vườn lan đều không có đầu ra do thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế sự kiện đông người. Ngay cả các chợ đầu mối, cửa hàng kinh doanh hoa tươi cũng không hoạt động nên các nhà vườn chỉ còn cách cắt bỏ. Suốt 4 - 5 tháng không có nơi tiêu thụ nhưng nhà vườn vẫn phải duy trì hoạt động, chăm sóc để giữ cây với chi phí trung bình mỗi tháng lên đến 500 triệu đồng.
Là sản phẩm tiềm năng, cá cảnh TP Hồ Chí Minh không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu, song dịch COVID-19 đã khiến nhiều hộ nuôi cá không khỏi cảnh lao đao. Ông Nguyễn Tấn Phong, chủ trại cá Tấn Phong ở xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh cho biết, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến sản lượng tiêu thụ cá cảnh giảm sút mạnh trong năm 2021. Tại thị trường nội địa, người dân bị ảnh hưởng thu nhập nên không còn ưu tiên cho các thú chơi được xem là xa xỉ, trong khi đó việc xuất khẩu cũng bế tắc vì không có chuyến bay quốc tế hoặc phí vận chuyển quá cao.
“Nếu như các loại nông sản phục vụ nhu cầu thiết yếu có thể kêu gọi “giải cứu” thì cá cảnh phải “đóng băng” việc tiêu thụ vì mang ra chợ cũng không ai mua. Không chỉ tắc đầu ra, người nuôi cá cảnh rơi vào thế “khó chồng khó” khi giá thức ăn cho cá liên tục tăng cao. Mỗi bao cám 25kg trước dịch có giá 275.000 đồng thì hiện nay đã lên đến hơn 400.000 đồng”, ông Phong chia sẻ.
Nhiều hộ chăn nuôi bò sữa ở Củ Chi cũng cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, khâu cung cấp thức ăn, nhất là các loại nguyên vật liệu, phụ phẩm thức ăn chăn nuôi cho bò sữa, bò thịt bị thiếu hụt, giá thức ăn tăng liên tục. Nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ, bán sản phẩm qua các đầu mối không có địa điểm thu mua trên địa bàn bị ảnh hưởng nhiều.
Bài 2: Thích ứng và khôi phục sản xuất