Giải pháp liên kết vùng
Mặc dù có sự phát triển trong nhiều năm qua nhưng lĩnh vực hạ tầng cứng và hạ tầng kỹ thuật vẫn còn thiếu các trung tâm logistics để làm nơi lưu trữ, chuyển tải hàng hóa, hệ thống đường giao thông còn chưa đồng bộ. Điều này, không chỉ dẫn đến dẫn ùn tắc giao thông, mà còn là nguyên nhân tăng thời gian vận chuyển và chi phí logistics.
Theo bà Phạm Thị Bích Ngọc, Giảng viên khoa Logistics và Thương mại quốc tế, Trường Đại học Hoa Sen, kết quả một khảo sát của nhóm nghiên cứu khảo sát của khoa cho thấy, doanh nghiệp xuất khẩu gạo từ Đồng bằng sông Cửu Long – Tp. Hồ Chí Minh đang gặp vấn đề về tình trạng thiếu container rỗng và giá cước vận chuyển tăng cao gây khó khăn trong xuất khẩu. Kết quả này, tương đồng với khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) là có gần 40% công ty gặp khó khăn trong việc tìm kiếm container rỗng.
Do đó, trong dài hạn các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần có chính sách thúc đẩy đầu tư cơ sở hạn tầng từ Đồng bằng sông Cửu Long – Tp. Hồ Chí Minh và xuất khẩu như đầu tư cảng nước sâu, đường cao tốc... Còn trong ngắn hạn, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ cơ chế chính sách quản lý Nhà nước như cần có những chính sách nhằm bình ổn chi phí liên quan đến hoạt động logistics, rút ngắn thời gian vận chuyển.
Về vấn đề phát triển logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ông Dương Trường Phúc, Giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với những lợi thế tự nhiên đã nhanh chóng phát triển hoạt động logistics tại các địa phương trọng yếu như Tp. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương... nhưng còn những hạn chế về chức năng, phân bố và kết nối.
"Liên kết vùng cần được nhận diện rõ ràng trong các chính sách phát triển, nhất là tính bền vững. Chính sách liên kết vùng cần tôn trọng và phát huy tiềm năng và lợi thế so sánh của từng địa phương; giải quyết những xung đột lợi ích, không chỉ vì lợi ích của mỗi địa phương mà còn vì lợi ích chung của vùng, của quốc gia", ông Dương Trường Phúc chia sẻ thêm.
Cụ thể, hoạt động logistics của Tp. Hồ Chí Minh phục vụ cho thị trường của một siêu đô thị với những lợi thế nằm giữa các trục đường bộ Đông - Tây, Bắc - Nam, cùng với hệ thống hải cảng lớn (Cát Lái, Hiệp Phước, Bến Nghé, Tân Thuận...) có thể vận chuyển đa phương thức (multimodal transport).
Trong khi đó, một số địa phương như Bình Phước, Tây Ninh, Long An... sẽ gặp khó khăn nhất định trong việc tiếp cận với thương mại toàn cầu đối với xuất khẩu các mặt hàng nông sản và nhập khẩu máy móc, trang thiết bị thông qua giao thông vận tải biển nếu không liên kết với Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Liên kết vùng thúc đẩy phát triển các chính sách liên kết và kéo theo đó là các chính sách cho phát triển logistics đồng bộ và hợp lý; tăng cường cầu logistics nhờ liên tục mở rộng đối tác tiềm năng, phân bổ cơ sở hạ tầng logistics giữa các địa phương thành một hệ thống đồng bộ... Hay nói cách khác, liên kết vùng ngoài giải quyết trở lực lớn nhất của địa phương và vùng về hạ tầng giao thông còn hỗ trợ chính sách, nguồn lực, cầu logistics và nhân lực.
Chính vì vậy, để phát triển logistics, một trong những vấn đề cấp thiết là phát huy vai trò của Ban chỉ đạo Vùng để chủ trì kết nối giữa các địa phương trong phát triển logistics, hướng đến sự chia sẻ nguồn lực hạ tầng toàn vùng. Đồng thời, để hiện thực hóa những mục tiêu và giải pháp đề ra cho giai đoạn phát triển đến 2025 và tầm nhìn 2030, cần có các chính sách như một giải pháp điều phối cải thiện tính hệ thống và quy trình chưa hoàn chỉnh hiện nay.
Theo các chuyên gia, Ban chỉ đạo Vùng đảm bảo vai trò hoạch định chiến lược phân chia vai trò trong chuỗi dịch vụ ngành logistics, trong đó Tp. Hồ Chí Minh hướng tới cung cấp dịch vụ giá trị cao trong chuỗi dịch vụ logistics xuất khẩu và phân phối nội địa. Còn các tỉnh, thành lân cận hướng tới trở thành trung tâm logistics vệ tinh là nơi tập trung dịch vụ logistics cơ bản phục vụ cho hàng hóa được sản xuất tại địa phương trước khi xuất khẩu qua cụm cảng khu vực Tp. Hồ Chí Minh.
Hệ sinh thái doanh nghiệp
Ghi nhận sau những tác động của dịch COVID-19, khái niệm logistics 4.0 đã trở thành cụm từ quen thuộc với hầu hết doanh nghiệp. Logistics 4.0 tập trung vào việc ứng dụng các công nghệ chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn (big data) và máy học (machine learning)... nhằm theo dõi hành trình của hàng hóa theo thời gian thực, giảm thiểu rủi ro thất lạc, cho phép tối ưu hóa tuyến đường vận chuyển...
Với tầm nhìn trở thành thương hiệu chuyển phát nhanh bền vững tại Việt Nam, J&T Express - thương hiệu chuyển phát nhanh quốc tế, là đơn vị chuyển phát nhanh sở hữu các trung tâm trung chuyển lớn bậc nhất Việt Nam - cũng xác định cạnh tranh chất lượng dịch vụ là một trong những chiến lược lâu dài. Tính đến hiện tại, J&T Express đã mở rộng mạng lưới hơn 1.900 bưu cục, 850 xe vận tải, 19.000 nhân viên, 36 trung tâm trung chuyển và cho thấy sự đầu tư chỉn chu, bài bản; đồng thời tiên phong bổ sung tính năng thanh toán đơn hàng bằng QR Code động.
Theo ông Phan Bình, Giám đốc Thương hiệu J&T Express Việt Nam, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt làm thế nào để bắt kịp xu hướng, gia tăng giá trị cho người tiêu dùng mà vẫn đảm bảo tối ưu đường dài là bài toán đầy thách thức của mọi doanh nghiệp. Vì vậy, hướng đến giải quyết bài toán phát triển đường dài ổn định, J&T Express đặc biệt đầu tư công nghệ vào quá trình vận chuyển, đảm bảo quy trình vận hành mượt mà, ổn định hơn.
J&T Express mang đến mô hình dịch vụ đa dạng, từ chuyển phát tiêu chuẩn được thiết kế cho tất cả đối tượng khách hàng cho đến giao nhanh và phục vụ một số sản phẩm, dịch vụ đặc biệt. Trong đó, có thể kể đến J&T Express nhận giao cả hàng hóa cồng kềnh hay có thể đặt giao hàng dễ dàng trên nhiều nền tảng; siêu dịch vụ giao hàng cao cấp J&T Super với ưu thế vận chuyển hỏa tốc và bảo mật cho đến giao hàng tươi sống; hay dịch vụ giao hàng J&T International giúp người dùng có thể tra cứu hành trình quốc tế.
Trong tháng 12/2022, MM Mega Market Việt Nam cũng chính thức khai trương trạm trung chuyển thịt lợn tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Đây là kết quả của sự hợp tác giữa MM Mega Market Việt Nam và Công ty TNHH Anh Hoàng Thy. Trạm trung chuyển này có tổng diện tích 5000m2 và đạt chuẩn ISO 22000:2018, trạm trung chuyển có năng lực cung cấp sản phẩm thịt lợn sạch, an toàn cho hệ thống phân phối của MM Mega Market tại Tp. Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, và Nam Trung bộ. Trạm trung chuyển được vận hành với sự kiểm soát nghiêm ngặt, theo quy trình khép kín từ trang trại đến bàn ăn.
Ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc khối vận hành của MM Mega Market cho biết, thông qua sự hỗ trợ từ các sở, ban ngành, đối tác và nông hộ tại Đồng Nai và Tp. Hồ Chí Minh, MM Mega Market Việt Nam tích cực tham gia vào việc phát triển chuỗi cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu liên vùng, mà cụ thể là ngành hàng thịt lợn an toàn của địa phương và khu vực phụ cận. Từ đó, MM kỳ vọng mô hình là bước tiến bộ vượt bậc trong việc cung cấp nguồn thực phẩm đến tay người tiêu dùng thông qua ứng dụng công nghệ và quy trình kiểm soát nghiêm ngặt chuỗi cung ứng từ sản xuất đến chất lượng sản phẩm đầu cuối.
Tương tự, trong quý III/2022, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) và Công ty CP đầu tư Sài Gòn VRG (VRG) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược xây dựng và phát triển Trung tâm phân phối phía Tây Tp. Hồ Chí Minh. Dự án này được triển khai tại khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3, Tp. Hồ Chí Minh và đầu tư theo tiêu chuẩn logistics theo hướng green logistics và trong giai đoạn 1 có diện tích 3,46 ha và dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2023. Nếu trong quá trình vận hành đạt hiệu quả cao, Saigon Co.op sẽ mở rộng thêm giai đoạn 2 với diện tích hơn 8 ha và trở thành một trong những tổng kho quan trọng cho chiến lược phát triển của Saigon Co.op trong thời gian tới.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op Vũ Anh Khoa cho hay, phát triển kho trung tâm phân phối hướng Tây Tp. Hồ Chí Minh nằm trong chiến lược phát triển mạng lưới trung tâm phân phối Saigon Co.op. Đây là dự án giải quyết bài toán giảm áp lực hàng hóa, rủi ro tại các kho hướng Đông hiện hữu; giúp công tác quy hoạch tái đầu tư hệ thống kho; định hướng bố trí cung đường giao nhận hàng hóa hợp lý hơn... góp phần làm giảm chi phí vận chuyển cho Saigon Co.op và nhà cung cấp.
Bài cuối: Tăng năng lực tự động và số hóa