Theo báo cáo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trần Văn Lộc, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại một hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ ở khu phố Tân Liên, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú với tổng đàn 7 con.
Tiếp đến, tại ấp 8, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú tiếp tục phát hiện thêm 2 đàn lợn của 2 hộ dân dương tính với dịch tả lợn châu Phi.
Hai hộ dân được phát hiện có lợn dương tính với dịch tả lợn châu Phi gồm gia đình ông Lê Văn Duẩn và hộ ông Nguyễn Tuấn Biết cùng ngụ tại ấp 8 xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, Bình Phước. Mẫu xét nghiệm của 2 đàn lợn đã được gửi về Chi Cục Thú y Vùng 6 từ trưa ngày 9/5 và đến tối có kết quả.
Đại diện UBND xã Tân Lập, huyện Đồng Phú cho biết sau khi phát hiện 2 hộ có lợn bị dịch tả lợn châu Phi, UBND xã Tân Lập đã gửi công văn cho các xã giáp ranh với địa bàn để nắm tình hình và có biện pháp phòng, chống kịp thời.
Sau khi có kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với Chi cục Thú y vùng 6 Thành phố Hồ Chí Minh cùng các cơ quan chức năng liên quan đã tiến hành tiêu hủy số lợn bị bệnh nêu trên. Đồng thời, triển khai ngay biện pháp tiêu độc khử trùng, xác định các vùng đệm để có biện pháp xử lý an toàn.
Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức hai trạm kiểm dịch đầu cửa ngõ trên Quốc lộ 13 đoạn qua huyện Chơn Thành và khu vực cửa khẩu Hoàng Diệu - huyện Lộc Ninh.
Tỉnh cũng tăng cường lực lượng kiểm soát 24/24 giờ tại hai chốt kiểm dịch bệnh động vật tại huyện Đồng Phú để kiểm soát khâu vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc; tổ chức tiêu độc khử trùng tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ gia súc.
Ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước cũng đưa ra khuyến cáo đối với các hộ chăn nuôi phải chủ động kiểm soát; tránh giao tiếp đưa người lạ từ chỗ khác đến vùng chăn nuôi. Mặt khác hạn chế người làm công tác tuyên truyền về dịch bệnh đi từ hộ này sang hộ khác mà phải yêu cầu cán bộ tại địa phương trong vùng an toàn đảm trách nhiệm vụ tuyên truyền phòng dịch.
Hiện tỉnh Bình Phước có hơn 11.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và hơn 250 trang trại chăn nuôi tập trung, với tổng đàn lợn gần 740.000 con.
*Tại tỉnh Đồng Nai, cơ quan chức năng tỉnh vừa tiến hành tiêu hủy hơn 1,4 tấn thịt lợn không rõ nguồn gốc. Số thịt này được phát hiện trong 1 cơ sở giết mổ trái phép tại xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
Trước đó, ngày 9/5, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai kiểm tra cơ sở giết mổ lợn do ông Trần Anh Phong, ấp Tân Bình, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom làm chủ. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở đang giết mổ, tiêu thụ lợn chết không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, cơ sở có hơn 1,3 tấn thịt lợn đang lưu trữ trong nhiều tủ đông lạnh, thùng xốp, có mùi hôi cùng 2 con lợn đã chết (trọng lượng khoảng 130kg) đang được ướp đá.
Làm việc với cơ quan chức năng, ông Trần Anh Phong không xuất trình được giấy phép hoạt động giết mổ. Ông Phong khai nhận đã thu mua lợn không rõ nguồn gốc từ năm 2017 đến nay, số thịt lợn trên chủ yếu là lợn chết do bán chưa hết còn tồn lại. Trung bình mỗi kg lợn chết ông Phong thu mua với giá 12.000 đồng và bán ra thị trường với giá 17.000 đồng/kg.
Cùng với việc tiêu hủy, cơ quan chức năng Đồng Nai cũng đã lẫy mẫu lợn tại cơ sở giết mổ của ông Trần Anh Phong đưa đi xét nghiệm.
Hiện tại, huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch là 2 địa phương ở Đồng Nai đã công bố dịch tả lợn châu Phi nên việc giết mổ trái phép là một trong những nguyên nhân lây lan nguồn bệnh. Vì vậy, ngành chức năng Đồng Nai đang tập trung xử lý, ngăn chặn triệt để tình trạng giết mổ không phép trên địa bàn.