Tại Nghệ An, từ ngày 30/4 đến nay, tỉnh này đã xuất hiện thêm một số ổ dịch mới. Theo đó, ngày 30/4, đàn lợn của gia đình ông Ngô Trí Hạo, xóm 7, xã Nghi Mỹ, huyện Nghi Lộc có 5 con bị ốm. Ngày 5/5, tại gia đình ông Nguyễn Văn Tình, ở khối An Thịnh, phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai xuất hiện lợn ốm và chết 7 con. Cũng trong ngày 5/5 xuất hiện lợn ốm, chết tại gia đình bà Nguyễn Thị Lương, ở xóm 9, xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu.
Ngay sau khi nhận được tin báo của gia đình và chính quyền địa phương về việc có lợn ốm, chết, Trạm Thú y các huyện đã nhanh chóng lấy mẫu và gửi Chi cục Thú y vùng 3 (Cục Thú y Việt Nam) để kiểm định, tìm nguyên nhân. Đến nay, Chi cục Thú y vùng 3 đã có kết luận, khẳng định đàn lợn của các gia đình trên bị dịch tả lợn Châu Phi.
Sau khi có kết quả khẳng định dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại các gia đình trên, ngành thú y tỉnh Nghệ An và các địa phương đã tiến hành tiêu hủy số lợn còn lại của các gia đình; tiến hành khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch; lập chốt kiểm soát không để vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra vào vùng có dịch…
Tại Ninh Bình, theo thống kê, từ tháng 4 đến nay, bệnh dịch đã xuất hiện tại 31 xã, phường thuộc 7 huyện, thành phố, buộc phải tiêu hủy trên 1.500 con lợn, hiện tình hình bệnh dịch vẫn còn rất phức tạp. Trước tình trạng này, UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục triển khai đồng bộ biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi nhằm khống chế không để bệnh dịch lây lan.
Ông Đinh Văn Điến, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tỉnh Ninh Bình cho biết, tỉnh đã yêu cầu các huyện, thành phố rà soát lại số lượng đàn lợn đang nuôi trên địa bàn để quản lý, giám sát chặt chẽ; hướng dẫn các hộ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, sử dụng bạt để ngăn vật trung gian mang mầm bệnh vào khu vực trang trại; tiếp tục tăng cường vệ sinh khử trùng môi trường bằng vôi và hóa chất tại các trang trại, đường làng, ngõ xóm, các điểm giết mổ tập trung…
Đối với đơn giá hỗ trợ thiệt hại cho chủ vật nuôi có lợn bị tiêu hủy bắt buộc do bệnh dịch tả lợn châu Phi, tỉnh giao Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu trình UBND tỉnh quyết định trên nguyên tắc vừa hỗ trợ người chăn nuôi khôi phục sản xuất vừa tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.
Sau khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên trên địa bàn, đến nay tại Ninh Bình mới có các huyện Hoa Lư, Nho Quan công bố hết bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Để ngăn chăn dịch bệnh tả lợn châu Phi xâm nhập và lây lan trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên quốc lộ 1A tại xã Tân Đức (huyện Hàm Tân) và xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong). Bên cạnh đó, 6 chốt kiểm dịch tạm thời cũng được Ủy ban nhân dân các huyện thành lập tại các huyện tiếp giáp với các tỉnh như: huyện Bắc Bình và huyện Hàm Thuận Bắc (giáp ranh tỉnh Lâm Đồng); huyện Hàm Tân (giáp ranh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); huyện Tánh Linh và huyện Đức Linh (giáp ranh tỉnh Đồng Nai).
Theo ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thú y, Chăn nuôi và Thủy sản Bình Dương, việc vận chuyển, “bán chạy” lợn và các sản phẩm có nguồn gốc từ lợn vào địa bàn tỉnh rất phức tạp. Tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức biện pháp phòng chống, ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh, thành đang có dịch bệnh vào địa bàn tỉnh.
Cụ thể, tỉnh tăng cường thêm tổ kiểm tra chốt 24/24 trên tuyến đường dẫn vào Bình Dương. Các nhân viên thú y tại cơ sở phải nắm chắc nghiệp vụ và tình hình dịch bệnh của địa phương; giám sát chặt chẽ các đàn heo nuôi quy mô nhỏ tại địa phương, yêu cầu người dân sử dụng và phòng bị các biện pháp vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường; Phân công cán bộ thú y trực kiểm lâm sàng đối với tất cả các trường hợp gia súc nhập vào tỉnh giết mổ và khu chung chuyển.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã yêu cầu các ban, ngành, địa phương khẩn cấp triển khai biện pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh. Các hộ chăn nuôi được khuyến cáo thực hiện biện pháp tự bảo vệ: vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, rắc vôi bột khu vực chăn nuôi và biện pháp khác theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Ban, ngành, địa phương chuẩn bị sẵn sàng phương án về nhân lực, vật tư, hóa chất, phương tiện để kịp thời triển khai biện pháp phòng, chống khi có dịch xảy ra; dự phòng sẵn các phương án tiêu hủy, nơi chôn, đốt lợn, sản phẩm của lợn khi phát hiện dương tính với dịch tả châu Phi; tập trung kiểm tra phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vận chuyển vào tỉnh.
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh yêu cầu, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cần phải chỉ đạo ráo riết và thường xuyên việc lập các chốt chặn, kiểm tra xe vận chuyển động vật, sản phẩm từ động vật từ các tỉnh khác, nhất là Đồng Nai vào Bà Rịa - Vũng Tàu.