Hai đại dự án mở rộng quốc lộ (QL) 1A, QL14 đều đang được các địa phương triển khai trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp. Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các chủ đầu tư dồn sức thi công, để kịp tiến độ khai thác, đảm bảo không tăng tổng vốn đầu tư.
Thúc địa phương lo mặt bằng
Tổng mức đầu tư mở rộng, nâng cấp hai đại dự án QL1, QL14 (đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực các tỉnh Tây Nguyên) khoảng 120.000 tỷ đồng. Với tính chất huyết mạch, chiến lược về kinh tế xã hội, các dự án dự kiến được hoàn thành vào năm 2016. Tuy nhiên, những khó khăn về vốn đang đẩy các dự án này đứng trước nguy cơ chậm tiến độ. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã vừa họp kiểm điểm tiến độ hai dự án với các chủ đầu tư.
Bộ GTVT cam kết sẽ hoàn thành đúng tiến độ với các dự án BOT QL1, QL14. |
Hiện nay, đại dự án mở rộng QL1 đã khởi công được 20/21 dự án, trong đó có 7 dự án thi công đúng kế hoạch, các dự án còn lại mới đang dừng ở giai đoạn giải phóng mặt bằng (GPMB) và huy động thiết bị. Còn các dự án mở rộng QL1 thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) cũng đã khởi công được 17/18 dự án. Tuy nhiên, dự kiến phải hết năm nay, các dự án này mới có mặt bằng sạch.
Đối với đại dự án nâng cấp QL14 sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, hiện đã có 3/3 dự án qua các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và đoạn Tân Cảnh (Kon Tum) được khởi công. Tuy nhiên, tiến độ GPMB cũng đang rất ì ạch. Thậm chí, nhiều địa phương có tuyến đường đi qua hiện vẫn chưa thu hồi được diện tích đất phải giải tỏa phục vụ việc mở rộng tuyến đường. Còn các dự án BOT đã được các chủ đầu tư thi công.
Có thể thấy, công tác GPMB hiện nay là yếu tố sống còn quyết định tiến độ thi công các dự án mở rộng, nâng cấp QL1, QL14. Theo đánh giá của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng các công trình giao thông, công tác GPMB của một số dự án vẫn chậm trễ. Nhiều địa phương có dự án đi qua hiện mới đang kiểm đếm, áp giá, lập phương án tổng thể và chi tiết. Nhiều tỉnh như: Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Kon Tum, Bình Thuận, Đồng Nai… còn chưa phê duyệt phương án GPMB tổng thể để làm thủ tục giao kế hoạch ứng vốn.
Thêm vào đó, tại hai đại dự án này còn có nhiều công trình hạ tầng của Viettel, VNPT, EVN… nằm trong diện phải di dời. Thực trạng này cũng khiến các địa phương lúng túng trong việc xác định những công trình này có được hỗ trợ di dời hay không.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, các địa phương cần có trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ GPMB theo đúng quy định của pháp luật, đúng cam kết. Đặc biệt, không để tăng tổng mức đầu tư theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
“Chi vượt dự toán, tự bỏ tiền ra bù"
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Đinh La Thăng đối với chủ đầu tư hai đại dự án này. Đến nay, công tác thi công của các dự án đã chậm so với chỉ tiêu khoảng 2 tháng, nguyên nhân là do hầu hết các gói thầu xây lắp chính chưa lựa chọn được nhà thầu, công tác GPMB chậm trễ.
Theo đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các chủ đầu tư, tư vấn phải làm việc trực tiếp với địa phương để tháo gỡ khó khăn, không thể thỏa thuận với từng người dân, vì công tác đền bù, GPMB đều đã được thông báo rộng rãi tới nhân dân. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư, tư vấn phải chứng minh được đủ năng lực và tạo niềm tin bằng những việc cụ thể như: Khâu nào tính toán thiết kế, thi công, vận chuyển… có thể giảm được thì kiên quyết giảm.
Các chủ đầu tư cần tận dụng tối đa các cầu cũ đang sử dụng được, cần thiết thì gia cố, sửa chữa cho phù hợp. Việc này có thể tiết giảm được hàng ngàn tỷ đồng vốn đầu tư. Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình giao thông Trần Xuân Sanh |
Nguyễn Tiến