Không để buôn lậu trở thành điểm nóng

Với đường biên giới dài, Quảng Ninh có cả cửa khẩu, tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường thủy nội địa, bến xe khách, bến cảng xuất khẩu, cảng khách.

Đây vừa là lợi thế để Quảng Ninh phát triển kinh tế nhưng cũng là điều kiện thuận lợi cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại cũng như vận chuyển trái phép ma túy, hàng hóa, thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc thẩm lậu qua biên giới.

Chủ động phòng chống

Ông Bùi Văn Khắng - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Trưởng Ban Chỉ đạo 9 tỉnh Quảng Ninh cho biết, bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 9 quốc gia và UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 9 tỉnh Quảng Ninh đã ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo quyết liệt về đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Đội đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm, Đồn biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh) phối hợp với Công an huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh), Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hoành Mô phối hợp bắt giữ đối tượng Nông Thanh Hoàn vận chuyển trái phép 70kg pháo nổ. Ảnh: Bùi Hiếu/TTXVN

Các vụ việc vi phạm đều được các lực lượng phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đặc biệt đã bắt giữ được các vụ vi phạm với giá trị lớn, các mặt hàng trọng điểm, hàng cấm như: ma túy, pháo nổ, tiền, ngoại tệ, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ...

Cùng với đó, việc tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật đến cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng và cụ thể hóa bằng những hoạt động thiết thực mang lại hiệu quả rõ rệt.

Chính vì vậy, các ngành, địa phương cơ bản đã quản lý tốt địa bàn, kiểm soát tốt tình hình, kiềm chế được đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Theo ông Cao Xuân Luật - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi và manh động; nhất là khi lực lượng chức năng tăng cường quản lý, kiểm soát và siết chặt tại các địa bàn trọng điểm.

Do đó, đối tượng buôn lậu tập trung chủ yếu vào nhóm hàng có giá trị cao là hàng may mặc, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, điện thoại di động, rượu, bia, nước giải khát, đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh, thuốc lá điếu, pháo nổ...

Đáng chú ý, nếu như các năm trước giới buôn lậu chủ yếu vận chuyển hàng hoá bằng phương tiện có trọng tải lớn thì nay lại xé lẻ và chuyển hàng bằng nhiều hình thức khác nhau như: xe máy hoặc xe có tải trọng nhẹ từ biên giới đưa sâu vào nội địa để tiêu thụ.

Không những thế, các đối tượng còn sử dụng nguồn nguyên liệu giá thành thấp, mua trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ để pha trộn với một lượng hàng thật hoặc tự sản xuất hàng, sau đó dán nhãn mác của các doanh nghiệp đã được đăng ký nhãn hiệu.

Ngoài ra, nhiều đối tượng đã lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhất là các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... trên các website thương mại điện tử và mạng xã hội. Việc này gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong phát hiện nơi kinh doanh hoặc kho chứa trữ hàng hóa của các đối tượng này để xử lý.

Tuy nhiên với 3 cửa khẩu, 7 tuyến quốc lộ và 12 tỉnh lộ với tổng chiều dài gần 800 km; 15 tuyến đường thủy nội địa dài 218 km; 13 bến xe khách và 90 cảng bến; trong đó có 31 cảng bến xuất khẩu than, 47 cảng bến hàng hóa và 12 cảng bến khách, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến rất phức tạp, khó kiểm soát.

Ông Phạm Quang Khuy - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh) cho biết, các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, táo tợn.

Chẳng hạn như với tuyến đường bộ, các đối tượng chủ yếu lợi dụng địa hình đường biên sát khu dân cư với nhiều đường mòn, lối mở để thuê người dân vác hàng qua biên giới rồi dùng xe máy vận chuyển hàng hoá vào các chợ, trung tâm thương mại, bến xe. Từ đó, hàng hoá được vận chuyển trên các xe container, xe tải nhỏ, xe khách đã được gia cố hầm vách tinh vi.

Trong lưu thông, hàng hoá nhập lậu như: điện thoại, máy tính, ma tuý... được xé lẻ cho vào các túi xách, va ly, giấu trên người để trà trộn vào xe khách.

Với tuyến đường biển, các đầu nậu lợi dụng đêm tối, sử dụng các loại phương tiện công suất lớn, thiết bị hiện đại để vận chuyển hàng cấm từ khu vực cảng Trúc Sơn, Vạn Mỹ (Trung Quốc) về khu vực phân định trên vịnh Bắc Bộ rồi xé lẻ đưa lên các tàu nhỏ vận chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ.

Mặc dù lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với biên phòng, hải quan, công an tăng cường đấu tranh chống buôn lậu trên các tuyến biên giới, nhưng do điều kiện địa hình tuyến biên giới phức tạp và lực lượng quản lý còn mỏng nên tình trạng buôn lậu vẫn chưa suy giảm.

Đáng lưu ý, các đối tượng lợi dụng nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực biên giới cũng như trẻ em chưa đến tuổi thành niên vận chuyển hàng hóa thậm chí cả ma túy nhằm qua mắt lực lượng chức năng.

Siết chặt kỷ cương

Để thực hiện tốt việc kiểm soát thị trường, ông Cao Xuân Luật cho hay,  Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, an toàn thực phẩm, văn minh thương mại năm 2020.

Theo đó, Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh đã triển khai đến các phòng nghiệp vụ, đội quản lý thị trường tập trung tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh và người dân tuân thủ pháp luật, không tham gia tiếp tay cho buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.

Hơn nữa, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, an toàn thực phẩm, văn minh thương mại; đồng thời, quản lý tốt các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, từng bước ngăn chặn tình trạng bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc ảnh hưởng đến sức khỏe người dân...

Cùng với đó, Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh cũng chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, đội quản lý thị trường tập trung nắm tình hình, địa bàn, nhu cầu sử dụng hàng hóa của người dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động tham mưu, đề xuất với chính quyền, ngành chức năng có phương án, biện pháp bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường.

Đặc biệt, Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh còn huy động tối đa lực lượng tổ chức kiểm soát chặt hàng hóa từ biên giới vào nội địa; chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, đội quản lý thị trường địa phương bố trí quân số thường trực kịp thời xử lý các vụ việc khi có tin báo tố giác hoặc tin báo qua đường dây nóng nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm; tham mưu, đề xuất chính quyền các cấp có biện pháp bình ổn thị trường, phục vụ tốt nhu cầu người tiêu dùng và du khách khi đến Quảng Ninh.

Uyên Hương (TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Công thương thị sát công tác phòng chống buôn lậu tại Long An
Bộ trưởng Bộ Công thương thị sát công tác phòng chống buôn lậu tại Long An

Ngày 20/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cùng đoàn công tác đã đến làm việc với UBND tỉnh Long An về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN