Cải cách toàn diện về điều kiện kinh doanh

Không để các Bộ “đẩy” thêm điều kiện kinh doanh vào nghị định

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên phản biện độc lập trong tổ rà soát điều kiện kinh doanh của Chính phủ đã nhấn mạnh yêu cầu này với phóng viên báo Tin Tức.

Với góc nhìn của chuyên gia phản biện độc lập trong tổ rà soát của Chính phủ, ông có nhận xét gì về những quy định về điều kiện kinh doanh được các bộ đưa vào dự thảo nghị định trình Chính phủ ký ban hành ngày 1/7 tới, thưa ông?


Qua rà soát nội dung trong các dự thảo nghị định tôi thấy rằng, có thể nhìn thấy đã tốt hơn mấy điểm. Thứ nhất là trong các dự thảo nghị định đã bỏ những quy định giới hạn về quy mô, như kinh doanh gas phải có bao nhiêu vỏ bình hay quy mô nhà máy sản xuất phân bón, kho tàng phải diện tích bao nhiêu, sàn chứng khoán, bất động sản phải rộng bao nhiêu mét vuông... Đối với những quy định không cần thiết này, Văn phòng Chính phủ (VPCP) rất quyết liệt trong việc loại bỏ. Bởi nếu còn tiếp tục duy trì các điều kiện trên thì không những không giảm mà đã tăng thêm rào cản gia nhập thị trường của những doanh nghiệp mới, tạo đặc quyền, đặc lợi bảo vệ các doanh nghiệp cũ. Quan điểm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ không có. Cho nên bỏ những quy định trên là tiến bộ.

Thứ hai là sẽ bỏ những yêu cầu thẩm định về máy móc, thiết bị. Thay vào đó là yêu cầu quy chuẩn, tiêu chuẩn. Việc đưa về quy chuẩn khác với quy định thẩm định ở chỗ, duy trì quy định thẩm định sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp phải có giấy phép, chứng nhận đồng ý của cơ quan quản lý. Điều này tạo ra tình trạng xin, cho. Còn khi đưa về quy chuẩn, tiêu chuẩn thì cơ quan quản lý kiểm tra máy móc chỉ cần so đúng tiêu chuẩn là xong. Dù việc quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng vẫn thấy bất hợp lý. Nhưng việc chuyển quy định sang quy chuẩn giúp cho doanh nghiệp bớt phiền hà, sách nhiễu trước sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý là một tiến bộ rồi. Mà cũng mới ở những nghị định được rà soát đợt này thôi, còn các nghị định khác thì vẫn chưa.

Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy, các bộ, ngành vẫn đưa vào nghị định rất nhiều quy định về điều kiện không cần thiết. Ví dụ như quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm, kinh doanh giáo dục đào tạo, mua bán bất động sản, chứng khoán, mua bán ô tô... Việc xây dựng thể chế, chính sách rất quan trọng, cần phải nghiêm túc hơn.

Đến nay đã có 51 dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh trình Chính phủ và đang được rà soát. Lưu ý là 51 nghị định này không phải là tất cả quy định về điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề hiện nay. Còn rất nhiều nghị định quy định về điều kiện kinh doanh khác đã được ban hành và đang có hiệu lực. 51 nghị định ban hành đợt này chủ yếu là nâng cấp các điều kiện kinh doanh đang nằm ở các thông tư lên nghị định. Vì theo Luật Kinh doanh, Luật Đầu tư có hiệu lực từ 1/7/2015 thì kể từ ngày 1/7/2016, các quy định về điều kiện kinh doanh nằm ở thông tư sẽ không còn hiệu lực.

Như vậy là rất có thể nhiều nghị định được ban hành sẽ vẫn chưa giải quyết được các rào cản trong kinh doanh. Vậy công việc rà soát để loại bỏ rào cản có được tiếp tục khi các quy định đã được đưa vào nghị định hay không, thưa ông?

Tôi hy vọng rằng việc rà soát này sẽ được làm thường xuyên liên tục, nên coi việc rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các văn bản pháp luật để phù hợp thực tế cuộc sống là một quá trình. Theo đó, dù các nghị định ban hành rồi nhưng vẫn tiếp tục được sửa đổi, bổ sung để tạo thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển chung.

Tuy nhiên, tôi cũng lo lắng về hiện tượng nhiều bộ vẫn nỗ lực bảo vệ các quyền quản lý của mình. Cụ thể là khi các nghị định đã ban hành rồi, có những bất cập, rào cản trong thực tế chưa được giải quyết nổi lên, các bộ sẽ lập luận rằng, biết là thế, nhưng nghị định vừa mới ban hành, cứ thực hiện đã rồi sửa đổi, bổ sung sau. Như thế sẽ cản trở quá trình khởi nghiệp, phát triển của doanh nghiệp mới. Tinh thần làm chính sách là phải thấy cuộc sống phát sinh bất cập, chính sách quản lý của Nhà nước đã đến lúc không phù hợp, trở thành rào cản đối với phát triển xã hội là phải sửa ngay để thúc đẩy sự phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Xuân Hương (ghi)
Quyết tâm cởi trói cho doanh nghiệp
Quyết tâm cởi trói cho doanh nghiệp

Chính phủ đang khẩn trương họp với các bộ, ngành về rà soát bãi bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh không cần thiết ở các thông tư của các bộ, ngành để thống nhất ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trước ngày 1/7/2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN