Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Đến đầu tháng 4/2020, tỉnh Quảng Trị có 18 tàu cá có chiều dài trên 24m hoàn thành lắp đặt thiết bị giám hành trình. Ngoài ra, tỉnh mới chỉ có khoảng 120 tàu từ 15m đến dưới 24m lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Nguyên nhân là do, tàu cá có chiều dài trên 24m, được nhà nước hỗ trợ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Còn đối với tàu từ 15m đến dưới 24m, ngư dân phải tự bỏ tiền ra để lắp đặt thiết bị này, với kinh phí khoảng từ 20 - 30 triệu đồng/tàu.
Do đó, nhiều chủ tàu có chiều dài trên 15m đến dưới 24m, chưa có kinh phí để lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Bên cạnh đó, một số chủ tàu loại này đã cho tàu nằm bờ chờ bán, cải hoán, nâng cấp hoặc liên tục đi biển, nên chưa lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định.
Ồng Nguyễn Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cho biết, để tàu cá trên 15m được ra khơi, bà con ngư dân phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị đã có văn bản, đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến, nhập bến; kiên quyết không cho tàu cá đi khai thác hải sản nếu chưa lắp đặt thiết giám sát hành trình theo quy định.
Ngoài ra, tại các cảng cá, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị kiểm tra 100% đối với tàu cá có chiều dài trên 24m khi cập và rời cảng để khai thác hải sản. Tàu cá có chiều dài dưới 24m, kiểm tra tối thiểu 20% đối với tàu làm ngề khai thác cá ngừ, tối thiểu 10% đối với tàu làm nghề lưới kéo, tối thiểu 5% đối nghề tàu làm nghề khác, trên tổng số tàu cá cập cảng bốc dỡ thủy sản; đồng thời, kiên quyết không cho tàu cá rời cảng để khai thác thủy sản, khi không đảm bảo các điều kiện theo quy định.