Không "ngăn sông cấm chợ" để "giải cứu" thịt lợn dư thừa

Trong thời gian gần đây, giá thịt lợn trên thị trường liên tục giảm giá khiến nhiều hộ chăn nuôi, trang trại như “ngồi trên đống lửa”. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã yêu cầu các địa phương tạo điều kiện lưu thông thịt lợn thuận tiện để "giải cứu" nguồn cung đang bị dư thừa.

Tại Vĩnh Phúc, giá lợn thịt xuất bán tại chuồng phổ biến ở mức 27.000 – 32.000 đồng/kg. Ở Quảng Trị, giá thịt lợn cũng đang ở mức 30.000 đồng/kg tại chuồng. Còn ở miền Nam, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, có thời điểm giá lợn xuất bán 27.000 đồng/kg, có lúc bị ép giá xuống còn 25.000 đồng/kg. Thậm chí, đối với lợn trên 150 kg giá còn bị đẩy xuống thấp hơn. Trong khi đó, giá thành chăn nuôi mỗi kg lợn hơi phổ biến ở mức .000 - 40.000 đồng/kg.

Trang trại của ông Hồ Văn Truyền, xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre). Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN

Lý giải vấn đề này, ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết: “Nguyên nhân là do nguồn cung nhiều hơn nhu cầu. Thời gian qua, người chăn nuôi ‘không ai bảo ai’ đua nhau tăng đàn. Ngoài ra, Trung Quốc trước đây nhập khẩu rất nhiều lợn của Việt Nam, đặc biệt dịp gần Tết, nhưng hiện Trung Quốc đã dừng nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam qua đường tiểu ngạch, khiến cầu bị tắc nghẽn, giá giảm mạnh”.

Theo ông Trúc, thịt lợn phục vụ tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu đều  dư thừa, khiến lượng thịt lợn ‘ế’ rất lớn. Hiện nay, nhiều trang trại chăn nuôi lợn ở tình trạng lỗ. Giá lợn có lúc, có nơi giá giảm xuống dưới 30.000 đồng/kg.

Để giải quyết bài toàn này, ông Trúc cho rằng: “Cần thống kê chính xác số lợn đang được nuôi và nắm bắt nhu cầu thị trường để từ đó phân tích đúng cung cầu thì mới có thể khuyến cáo cho người chăn nuôi lợn, tránh tình trạng cung vượt cầu”. 

Về phía Trung Quốc, “Họ siết chặt quản lý vì mua bán tiểu ngạch khó quản lý an toàn thực phẩm. Thực tế, việc quản lý này làm cho nguồn cung thịt lợn tại Trung Quốc thiếu hụt, giá thịt lợn tăng lên. Trước đây, giá thịt lợn khoảng 60.000 đồng /kg hơi, nhưng hiện nay khoảng 75.000 - 80.000 đồng/kg hơi. Người tiêu dùng Trung Quốc phải ăn thịt lợn đắt hơn, không phải Trung Quốc thừa lợn”, ông Trúc cho biết thêm. 

Đề cập tới việc giá thịt lợn giảm “sâu”, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết thêm: “ Giá thịt lợn trên thị trường không giảm nhưng giá lợn hơi lại giảm mạnh còn là do tư thương ép giá người chăn nuôi. Loại lợn trên 1 tạ (100 kg) khó bán nên thường bị tư thương ép giá rẻ hơn”.

Nhiều trang trại ở Đồng Nai chưa xuất bán được lợn. Ảnh: TTXVN

Theo ông Dương, trong những ngày gần đây, giá lợn đang tăng trở lại, ở đồng bằng sông Cửu long đã lên 40.000 đồng/kg lợn hơi, đồng bằng sông Hồng 34.000 – 37.000 đồng/kg lợn hơi. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đã gửi công văn đi các tỉnh, yêu cầu tăng cường thông tin thị trường cho người chăn nuôi, tạo điều kiện cho các xe chở lợn lưu thông thuận tiện, không ‘ngăn sông cấm chợ’. Kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thú y… tiết giảm giá thành, chia sẻ với người chăn nuôi. Các tỉnh yêu cầu người chăn nuôi không tăng đàn, giữ quy mô vừa phải.

“Trong vài năm qua, người chăn nuôi đã ‘thắng lớn’ khi giá lợn ở mức cao. Hiện nay, khi nguồn cung thịt lợn tăng và giá thịt loạn giảm thì người nông dân cần tăng cường sản xuất theo chuỗi để ổn định đầu ra”, ông Dương nói thêm.

H.V
Thịt lợn rớt giá khiến người chăn nuôi gặp khó
Thịt lợn rớt giá khiến người chăn nuôi gặp khó

Liên tiếp trong nhiều ngày qua, giá lợn thịt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc liên tục giảm khiến các hộ nuôi lợn, nhất là các trang trại, các gia đình chăn nuôi lợn thịt tập trung quy mô lớn, đứng ngồi không yên bởi thiệt hại về kinh tế rất lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN