Sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, dáng vóc một khu đô thị công nghiệp đang dần hiện hữu tại Khu Kinh tế (KKT) Nghi Sơn, Thanh Hóa. Phát triển KKT Nghi Sơn được Thanh Hóa chọn là một trong 5 chương trình trọng tâm của tỉnh trong giai đoạn 2011-2015, phấn đấu đưa KKT Nghi Sơn trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh và trọng điểm phát triển của vùng.
Những công trình trọng điểm
Phó Trưởng Ban quản lý KKT Nghi Sơn Bùi Huy Hùng cho biết: "Đến thời điểm hiện tại, KKT Nghi Sơn đã thu hút được 41 dự án đầu tư. Trong đó có 35 dự án đầu tư trong nước với tổng nguồn vốn gần 50.000 tỷ đồng và 6 dự án FDI tổng trị giá gần 6,9 tỷ USD. Điểm nhấn của Nghi Sơn là những dự án xứng tầm quốc gia và cả khu vực". Đó là Khu Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, nguồn vốn đầu tư gần 6,2 tỷ USD, công suất giai đoạn 1 là 10 triệu tấn dầu thô/năm.
Dự kiến đến năm 2014 sẽ cho sản phẩm, khi đó cùng với lọc dầu Dung Quất, lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu sử dụng xăng, dầu của Việt Nam với các sản phẩm chính là xăng A92, A95, A98, dầu hỏa, diesel, nhiên liệu phản lực...; Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn, vốn đầu tư trên 690 triệu USD, công suất đạt 1.800 MW, đã khởi công xây dựng từ tháng 7/2010; Nhà máy xi măng Công Thanh, 456,8 triệu USD; Nhà máy luyện cán thép, 129 triệu USD, công suất 750.000 tấn phôi thép và 500.000 tấn thép cán/năm...
Một góc khu kinh tế Nghi Sơn. |
Một lợi thế nữa của Nghi Sơn là cảng biển nước sâu được quy hoạch gồm 40 bến cho tầu có trọng tải từ 5.000 tấn đến 50.000 tấn. Năng lực xếp dỡ dự kiến đến năm 2030 có thể khai thác đạt đến 75 triệu tấn/năm.
Cảng Nghi Sơn được xây dựng là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I), đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa phục vụ KKT Nghi Sơn và các vùng lân cận.
Ngay trong những ngày đầu năm 2011, thêm tin vui mới cho KKT Nghi Sơn: quy hoạch chi tiết sân bay dân dụng Thanh Hóa đã được công bố. Sân bay sẽ được đầu tư trên 2.600 tỷ đồng để xây dựng trở thành sân bay cấp 3C, 4C, đủ khả năng đảm nhiệm vai trò của sân bay có lịch bay thường kỳ, tiến tới là cảng hàng không nội địa...
Trong thời gian qua, Thanh Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư được hưởng những chính sách ưu đãi cao nhất theo khung quy định của Nhà nước, được hưởng môi trường đầu tư thuận lợi và thông thoáng để sản xuất kinh doanh tại KKT Nghi Sơn, với mục tiêu đưa Nghi Sơn trở thành một KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực.
Trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản gắn với việc xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Nghi Sơn. Hình thành các sản phẩm mũi nhọn có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao cùng với các loại hình dịch vụ cao cấp. Đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng ra thị trường khu vực và thế giới.
Vóc dáng khu đô thị công nghiệp
Mặc cho rét mướt và mưa phùn, hai cán bộ của Ban Quản lý KKT Nghi Sơn vẫn hồ hởi dẫn chúng tôi xuống tận địa bàn của các nhà máy, công trường. Dọc đường 513, từng đoàn xe tải chở đá, vật liệu xây dựng nối đuôi nhau đổ về các công trình xây dựng.
Tới địa phận xã Hải Yến, 325 ha thuộc khu vực mặt bằng chính của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã được giải phóng. Máy xúc, máy ủi đang khẩn trương san lấp những diện tích đất vừa thu hồi để kịp bàn giao "mặt bằng sạch" cho nhà thầu chuẩn bị khởi công nhà máy vào quý I/2011. Khu vực Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn, Nhà máy luyện cán thép, Nhà máy cấp nước sạch... nơi thì đã khởi công, nơi thì đang trong giai đoạn hoàn thiện luôn tấp nập công nhân, máy móc hối hả vào ca.
Đi qua đường băng chuyền của Công ty xi măng Nghi Sơn tiến thẳng ra Cảng biển Nghi Sơn, Tống Trần Anh và Nguyễn Văn Quân - hai "hướng dẫn viên" của Ban quản lý KKT cho chúng tôi biết: "Xen kẽ những công trình đang triển khai xây dựng là những dự án đã đi vào hoạt động, góp phần vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Đó là hai Nhà máy xi măng Nghi Sơn và Công Thanh với tổng công suất trên 9 triệu tấn/năm, đáp ứng đủ nhu cầu xi măng của khu vực phía Bắc; Nhà máy ống cốt sợi thủy tinh, Nhà máy bia Thanh Hóa...". Giá trị sản xuất công nghiệp của KKT Nghi Sơn từ khi đi vào hoạt động đến nay đã đạt trên 10.000 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP của tỉnh, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.
Song song với việc thu hút các dự án đầu tư, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại cho KKT Nghi Sơn.
Đến nay, bằng nhiều nguồn vốn, KKT Nghi Sơn đã được đầu tư trên 1.300 tỷ đồng để hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Trước mắt, bến cảng số 1+2, đường ống cấp nước thô, đường Đông-Tây 2, khu xử lý rác thải, hệ thống đê chắn sóng Nghi Sơn, đường 513 nối Nghi Sơn với Bãi Trành - ngược miền Tây tỉnh Thanh... đã và đang được hoàn thành để phục vụ cho KKT.
Đặc biệt, hệ thống hạ tầng của 5 khu tái định cư cơ bản được hoàn thiện và đã đón được trên 1.000 hộ dân đến nơi ở mới. Giờ đây, đi dọc quốc lộ 1A, đoạn thuộc xã Nguyên Bình, Tĩnh Gia, nhìn những dãy nhà cao tầng mọc san sát nhau, các cơ sở hạ tầng công cộng đang được hoàn thiện, ít ai nghĩ rằng đây là khu tái định cư của KKT.
Trong tương lai gần, KKT Nghi Sơn sẽ mở rộng quy hoạch ra toàn bộ địa bàn huyện Tĩnh Gia và tiến tới năm 2015 sẽ trở thành đô thị công nghiệp loại 3. Để đón đầu, Ban quản lý KKT Nghi Sơn đã nghiên cứu, công bố quy hoạch chi tiết 23 khu chức năng theo hướng đồng bộ, hợp lý. Đó là cụm cảng Nghi Sơn, các khu công nghiệp, 5 khu tái định cư, khu phi thuế quan, khu du lịch sinh thái đảo Biện Sơn, khu trung tâm dịch vụ công cộng, khu đô thị trung tâm...
Nghi Sơn hôm nay đã có hình hài là trung tâm công nghiệp với các nhóm sản phẩm công nghiệp chính gồm: Lọc hóa dầu, xi măng, nhiệt điện và luyện cán thép, đóng tàu.
Trong thời gian tới, KKT Nghi Sơn cũng đang mời gọi các nhà đầu tư đến đầu tư vào các lĩnh vực như: Công nghiệp hóa chất, máy công cụ và cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất phân bón, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến nông lâm thủy sản... để đưa Nghi Sơn trở thành trung tâm công nghiệp của cả nước.
Nghi Sơn đang đổi thay từng ngày, cụ ông Lê Văn Hoán, 84 tuổi- người vừa cùng với bà con thôn Nam Yến, xã Hải Yến nhường lại bản quán của mình để xây dựng Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn tâm sự với chúng tôi: "Nghi Sơn có cảng biển, giờ lại có thêm sân bay.
Đó là điểm tựa để lớp con cháu sau này sẽ bay xa, hội nhập với quốc tế để đưa Xứ Thanh cùng cả nước tiến nhanh, tiến mạnh...". Tin tưởng rằng khu đô thị công nghiệp Nghi Sơn sẽ sớm trở thành một trong những khu công nghiệp trọng điểm của cả nước, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp trong thời gian không xa.
Nguyễn Mai Hương