Theo Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Cục Bảo vệ thực vật) đóng tại xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, trong vụ Đông Xuân 2018 - 2019, nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống được trên 1,5 triệu ha. Hiện nay, trà lúa đang phổ biến ở giai đoạn đòng trổ, đẻ nhánh và mạ; một số ít chín và thu hoạch.
Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam Nguyễn Quốc Cường nhận xét, hiện thời tiết se lạnh vào sáng sớm và chiều tối, ẩm độ không khí cao là điều kiện thuận lợi cho bênh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông có cơ hội phát triển gây hại trên trà lúa Đông Xuân. Những ruộng sử dụng giống bị nhiễm, sạ dầy, bón nhiều phân đạm hoặc những ruộng bị thiếu nước trà lúa sẽ bị nhiễm nặng hơn.
Trước tình hình trên, Trung tâm khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên nhằm phát hiện sớm và phòng trị bệnh kịp thời bằng các loại thuốc đặc trị. Ngoài ra, các địa phương cần chú ý phòng trừ sâu cuốn lá ở giai đoạn đẻ nhánh, bệnh bạc lá và chuột gây hại ở giai đoạn đòng - trổ - chín.
Đối với rầy nâu cần theo dõi chặt chẽ sự phát triển để phát hiện sớm và phòng trị kịp thời trong trường hợp khi rầy nâu tập trung ở tuổi 2 - 3 với mật số cao, không để chúng gây hại cho trà lúa Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long. Các đối tượng sâu bệnh khác có thể xuất hiện nhưng khả năng gây hại thấp.
Qua ghi nhận của Trung tâm, trong 7 ngày qua, trà lúa Đông Xuân tại Đồng bằng sông Cửu Long đã bị một số đối tượng sâu bệnh gây hại; trong đó, diện tích bị nhiễm rầy nâu trên 30.600 ha, tăng hơn 6.200 ha so với tuần trước. Mật số rầy nâu trên đồng phổ biến từ 750 con/m2 đến 2.000 con/m2; trong đó có trên 660 ha nhiễm với mật số cao trên 3.000 con/m2; trên 7.600 ha bị nhiễm bệnh lem lép hạt, tăng hơn 1.300 ha so với tuần trước với tỉ lệ nhiễm bệnh từ 5% đến 15% diện tích.
Đáng lo ngại, bệnh đạo ôn lá đang có xu hướng tăng mạnh. Trong 7 ngày qua, toàn vùng có trên 31.600 ha bị nhiễm, tăng trên 12.000 ha so với tuần trước với tỉ lệ nhiễm phổ biến từ 5% đến 15%.