Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (Sở KH&ĐT), thành phố Hồ Chí Minh là nơi có môi trường kinh tế sôi động với số lượng doanh nghiệp (DN) cao nhất cả nước, mức đóng góp ngân sách ngân sách quốc gia hàng năm từ 26% - 30% giai đoạn 2010 - 2015.
Tuy nhiên, bên cạnh các DN lớn đã tạo dựng được thương hiệu quốc gia, là những cánh chim đầu đàn của nền kinh tế TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn chiếm đa số. Thêm vào đó các DN khởi nghiệp cũng phát triển mạnh mẽ và dẫn đầu các hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam. Thế nhưng, nếu so sánh với các quốc gia lân cận trong khu vực, thì tỷ lệ này còn khá khiêm tốn. Cụ thể, tỷ lệ DN trên đầu dân số của TP Hồ Chí Minh là 45 người/DN.
200 doanh nhân trên và 50 thanh niên khởi nghiệp đã đến hội nghị để chia sẽ những khó khăn với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh. |
Theo số liệu thống kê của Sở, mặc dù 6 tháng đầu năm, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 16.844 DN mới được thành lập, với số vốn đăng ký gần 144.570 tỷ đồng, tăng trưởng 18,2% về số lượng và 54,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước, nhưng bên cạnh đó cũng có đến gần 11.730 DN ngưng hoạt động và giải thể, chiếm đến 69,6%.
Bà Trần Thị Bình Minh, PGĐ Sở KH&ĐT cho rằng, điều này đặt ra nhiều vấn đề phải suy ngẫm về sự phát triển DN một cách bền vững và đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến bài toán hỗ trợ DN phát triển của thành phố. Bởi theo kế hoạch, đến năm 2020 TP Hồ Chí Minh phải đạt con số phát triển 500.000 DN.
Trên thực tế, Chính phủ cũng như chính quyền TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực tiến hành nhiều biện pháp cải cách, tái cấu trúc các ngành kinh tế mũi nhọn nhằm hỗ trợ tốt nhất mô hình trường kinh doanh cho DN, nhưng các DN vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng mạnh mẽ cùng với những tác động dai dẳng của hậu khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh đó, các vấn đề đặc thù của một nền kinh tế trẻ đang từng bước điều chỉnh cũng gây cho những DN còn tăng trưởng nóng bắt buộc phải nhìn lại, tái cấu trúc cho phù hợp. Theo đó, việc tập trung vào những ngành kinh doanh cốt lõi, tăng trưởng năng lực cạnh tranh DN, giữ vững thị phần sân nhà là việc cấp thiết để DN tư nhân thành phố trụ vững trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Ngoài ra, làn sóng các DN quốc tế đến Việt Nam và từng bước thâu tóm các DN nội địa, kiểm soát các kênh phân phối… cũng là một vấn đề khiến các DN thành phố cần nhận thức và có những ứng xử chuẩn bị hợp lý.
Với mong muốn đóng góp hết sức mình cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của TP Hồ Chí Minh, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, truyền cảm hứng và khát vọng làm giàu cho giới trẻ, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong mong muốn thông qua cuộc gặp gỡ này sẽ có thêm nhiều giải pháp để gỡ khó cho các doanh nhân trẻ, cá nhân khởi nghiệp, từ đó hỗ trợ phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Cụ thể là 4 ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao như nhưa - cao su, lương thực thực phẩm, điện - điện tử - cơ khí và công nghệ thông tin.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng khuyến khích các giải pháp, tinh thần khởi nghiệp, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, có sự sáng tạo, xung phong đi đầu trong sự nghiệp phát triển nền kinh tế; hỗ trợ phát triển DNNVV của thành phố. Ngoài hỗ trợ chính sách, cơ chế, thể chế, UBND TP Hồ Chí Minh cũng sẽ đẩy mạnh phát triển kênh phân phối, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nội địa và quốc tế, qua đó giúp sản phẩm của DN có chỗ đứng ở cả thị trường nội địa và quốc tế.