Kiến nghị Chính phủ sớm điều chuyển vốn đầu tư công giữa các bộ, ngành, địa phương

Giải ngân vốn đầu tư công đang được Chính phủ coi là một trong “5 mũi giáp công” để phục hồi kinh tế trong năm nay.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ kiến nghị Chính phủ thực hiện việc điều chuyển vốn giữa các bộ ngành, địa phương sớm hơn, ngay từ tháng 8 chứ không phải sang tháng 9 như dự kiến trước đó.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lý giải, việc điều chuyển này là điều chuyển vốn giữa các bộ, ngành, địa phương giải ngân kém sang bộ, ngành, địa phương giải ngân tốt. Còn việc điều chuyển trong nội bộ bộ ngành, địa phương thì đã được thực hiện từ trước đó…

Để đẩy mạnh việc giải ngân vốn đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, ngoài giải pháp chung của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng phải có giải pháp riêng.

“Thể chế, chính sách đã có, việc nào vướng mắc cũng đã và đang được tháo gỡ. Vì thế, quan trọng là lãnh đạo các bộ ngành, địa phương phải đeo bám từng dự án, để có vướng mắc gì thì giải quyết ngay", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cơ bản trở lại trạng thái bình thường. Các dự án, công trình đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng và 7 tháng năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 7/2020 ước tính đạt 45,7 nghìn tỷ đồng, tăng 51,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: vốn Trung ương quản lý 8,3 nghìn tỷ đồng, tăng 101,8%; vốn địa phương quản lý 37,4 nghìn tỷ đồng, tăng 43,9%.

Tính chung 7 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 203 nghìn tỷ đồng, bằng 42,7% kế hoạch năm và tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 41,6% và tăng 4,7%).

Vốn Trung ương quản lý đạt 32,5 nghìn tỷ đồng, bằng ,4% kế hoạch năm và tăng 60,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, Bộ Giao thông Vận tải đạt 8.340 tỷ đồng, bằng 41,6% và tăng 91,7%; Bộ Y tế 2.313 tỷ đồng, bằng 34,7% và tăng 36,1%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1.761 tỷ đồng, bằng 39,6% và tăng 34,1%...

Vốn địa phương quản lý đạt 170,5 nghìn tỷ đồng, bằng 43,6% kế hoạch năm và tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước,

Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 7 tháng năm 2020 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như: Hà Nội đạt 22.063 tỷ đồng, bằng 48,6% kế hoạch năm và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước; Tp. Hồ Chí Minh đạt 17.128 tỷ đồng, bằng 35,8% và tăng 73,2%; Quảng Ninh đạt 8.465 tỷ đồng, bằng 60,9% và tăng 64,6%...

Việc giải ngân vốn đầu tư công được lãnh đạo Chính phủ đặc biệt quan tâm. Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giao ban trực tuyến về lĩnh vực này nêu rõ: Mục tiêu đặt ra là phải nỗ lực phấn đấu quyết tâm cao nhất để giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 và các năm trước chuyển sang.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 1053/QĐ-TTg thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) năm 2020 tại một số bộ, cơ quan, địa phương. Các đoàn công tác này do Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và một số Bộ trưởng làm Trưởng đoàn thực hiện kiểm tra từ ngày 18/7 đến ngày 31/8/2020…

Thúy Hiền (TTXVN)
Giải ngân vốn đầu tư công nhanh sẽ thúc đẩy tăng trưởng
Giải ngân vốn đầu tư công nhanh sẽ thúc đẩy tăng trưởng

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, khi vốn đầu tư công tăng lên 1% sẽ đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,06 điểm phần trăm. Do đó, giải ngân vốn đầu tư công đang được Chính phủ coi là một trong “5 mũi giáp công” để phục hồi kinh tế trong năm nay. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân đang khá chậm, khi hết 6 tháng mới đạt trên 30%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN